7 nguyên tắc thực hành giảng dạy tốt tại cơ sở giáo dục đại học

7 nguyên tắc thực hành giảng dạy tốt tại cơ sở giáo dục đại học

Chickering và Gamson (1987) đã đề xuất bảy phương thức thực hiện/nguyên tắc thực hành giảng dạy khác nhau trong giáo dục đại học để cải thiện cả việc dạy và học. Những nguyên tắc chính này dựa trên 50 năm nghiên cứu giáo dục và được tổng hợp trong một nghiên cứu được hỗ trợ bởi Hiệp hội Giáo dục Đại học Hoa Kỳ, Ủy ban Giáo dục Hoa Kỳ và Quỹ Johnson. Cách thức mà mỗi nguyên tắc được thực hiện có thể khác nhau tùy theo bối cảnh trường, môn học hoặc đối tượng sinh viên.

Khuyến khích liên lạc giữa sinh viên và giảng viên

Sự tiếp xúc thường xuyên giữa sinh viên và giảng viên trong và ngoài lớp là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy động lực và sự tham gia của sinh viên. Sự quan tâm của giảng viên sẽ giúp sinh viên vượt qua thời gian khó khăn và tiếp tục nỗ lực làm việc. Việc biết một vài giảng viên sẽ tăng cường cam kết học tập của sinh viên và khuyến khích các em suy nghĩ về các giá trị của riêng và các kế hoạch trong tương lai của các em.

Một vài lời khuyên:

  • Đến lớp sớm và ở lại sau giờ học để trò chuyện hoặc hỗ trợ sinh viên
  • Nhớ tên sinh viên
  • Khuyến khích sinh viên ghé qua trong giờ làm việc của bạn để được giúp đỡ thêm hoặc chỉ đơn giản là ghé thăm
  • Tổ chức hội nghị sinh viên trong học kỳ
  • Tìm kiếm những sinh viên có thể đang gặp vấn đề với khóa học hoặc thường xuyên nghỉ học
  • Cung cấp phản hồi cá nhân về bài tập của sinh viên và khuyến khích sinh viên ghé thăm vào giờ hành chính để biết thêm thông tin phản hồi hoặc làm rõ các vấn đề thắc mắc
  • Tư vấn cho một nhóm sinh viên
  • Giúp sinh viên kết nối với các giảng viên khác trong lĩnh vực các em quan tâm

Phát triển sự hợp tác, tương hỗ giữa các sinh viên

Việc học sẽ được tăng cường khi nó được thể hiện dưới hình thức nỗ lực của nhóm hơn là một cuộc chạy đua đơn lẻ của cá nhân. Học tập tốt, giống như công việc tốt, là có tính hợp tác và xã hội, không cạnh tranh và không bị cô lập. Làm việc với những người khác có thể làm tăng sự tham gia tích cực trong học tập. Chia sẻ ý tưởng của riêng mình và đáp lại ý kiến phản hồi người khác sẽ giúp cải thiện tư duy và tăng cường hiểu biết.

Một số lời khuyên:

  • Tham gia vào “hoạt động phá băng” cũng như các hoạt động học tập khác trong buổi học đầu tiên nhằm khuyến khích sinh viên làm quen với nhau
  • Cung cấp các bài giảng nhỏ trong 15-20 phút xen kẽ với các hoạt động tương tác
  • Tạo “cộng đồng học tập”, các nhóm nghiên cứu và các dự án nhóm với trách nhiệm cá nhân
  • Sắp xếp bàn ghế trong lớp học, nếu có thể, để thúc đẩy hoạt động tương tác tốt hơn

Khuyến khích học chủ động/học tích cực

Học tập không phải là một môn thể thao có khán giả đến xem. Sinh viên không học được nhiều nếu chỉ ngồi trong lớp lắng nghe giáo viên, ghi nhớ các bài tập được đóng gói sẵn và đưa ra câu trả lời. Các em cần phải nói về những gì các em đang học, viết về nó, liên hệ nó với những trải nghiệm trong quá khứ và áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày của các em. Các em cần phải biến những gì các em học trở thành một phần kiến thức của chính các em.

Một số lời khuyên:

  • Cung cấp các tình huống cụ thể, thực tế để giúp sinh viên áp dụng các khái niệm lý thuyết
  • Cung cấp các hoạt động ứng dụng vượt ra ngoài các chủ đề hoặc hoạt động được cung cấp trong sách giáo khoa
  • Đặt câu hỏi thường xuyên để yêu cầu sinh viên tham gia hoạt động trên lớp thông qua các nhóm thảo luận, thẻ trả lời, bỏ phiếu hoặc sử dụng hệ thống trả lời trong lớp học, đối tác học tập, ban hỗ trợ học tập hoặc trò chơi
  • Khuyến khích sinh viên đưa ra gợi ý về các tài liệu đọc mới, dự án hoặc hoạt động khóa học
  • Sau khi cung cấp kết quả bài kiểm tra, hãy hỏi sinh viên xem các em sẽ làm gì khác đi trong lần thi tới
  • Cung cấp nhiều sự lựa chọn cho sinh viên để hoàn thành các dự án và các bài tập lớn.

Đưa ra phản hồi nhanh chóng.

Biết những gì bạn biết và không biết sẽ giúp tập trung vào việc học. Sinh viên cần nhận được phản hồi thích hợp về sự thể hiện của các em trong suốt quá trình học tập để các em có thể hưởng lợi từ các khóa học. Khi bắt đầu khóa học, sinh viên cần giúp đỡ trong việc đánh giá kiến thức và năng lực hiện có. Trong các buổi học, sinh viên cần thường xuyên có cơ hội thể hiện và nhận được gợi ý để có thể cải thiện tốt hơn. Tại các thời điểm khác nhau trong thời gian học đại học, và cuối chương trình học, sinh viên cần có cơ hội suy ngẫm về những gì họ đã học, những gì họ vẫn cần biết và cách đánh giá bản thân.

Một số lời khuyên:

  • Trả bài kiểm tra và bài viết trong vòng một tuần
  • Đưa ra các câu đố và bài tập về nhà thường xuyên để giúp sinh viên theo dõi tiến trình học của mình.
  • Thảo luận về kết quả của bài tập và bài kiểm tra với lớp để tạo cơ hội thảo luận hoặc đặt câu hỏi
  • Yêu cầu sinh viên lên lịch các hội nghị với bạn để thảo luận về sự tiến bộ của các em sớm trong học kì
  • Yêu cầu sinh viên giữ một sổ tay hoặc hồ sơ ghi rõ về sự tiến bộ của các em
  • Yêu cầu sinh viên chuyển bản nháp về công việc của mình cho giảng viên để xin thầy/cô ý kiến phản hồi và sửa đổi
  • Cung cấp phản hồi cụ thể, mang tính xây dựng liên quan đến cả điểm mạnh và điểm yếu của bài tập trên lớp

Nhấn mạnh yếu tố thời gian đối với các nhiệm vụ giao cho sinh viên.

Thời gian cộng với năng lượng tương đương với việc học. Không có gì có thể thay thế cho thời gian thực hiện nhiệm vụ. Học cách sử dụng thời gian hiệu quả là rất quan trọng đối với sinh viên cũng như đối với các chuyên gia. Sinh viên cần được giúp đỡ trong việc học cách quản lý thời gian hiệu quả. Phân bổ số lượng thời gian một cách thực tế có nghĩa là học tập hiệu quả đối với sinh viên và giảng dạy hiệu quả đối với giảng viên. Làm thế nào một tổ chức xác định kỳ vọng thời gian cho sinh viên, giảng viên, quản trị viên và nhân viên chuyên môn khác có thể thiết lập cơ sở cho việc thể hiện tốt cho tất cả sinh viên.

Một vài lời khuyên:

  • Truyền đạt rõ ràng lượng thời gian tối thiểu mà sinh viên nên sử dụng ngoài lớp cho việc đọc tài liệu, làm bài tập và nghiên cứu
  • Đặt ngày hết hạn cho các bài tập
  • Yêu cầu sinh viên làm bù vào bất kỳ công việc bị bỏ lỡ nào, nhưng cần chỉ rõ chính sách cho điểm  khi nộp bài muộn
  • Nói với sinh viên rằng quản lý thời gian kém là một trong những lý do hàng đầu cho việc thành tích học tập thấp.
  • Khuyến khích sinh viên đặt thời hạn và ngày thi quan trọng cho mỗi lớp vào lịch mà các em có thể tham khảo hàng ngày
  • Cung cấp một lịch trình đọc hàng tuần và nhấn mạnh rằng việc phân chia các bài đọc trong tuần dễ dàng hơn so với việc cố gắng đọc tất cả các tài liệu cùng một lúc.
  • Khuyến khích sinh viên sử dụng “thời gian chết” để học tập; chẳng hạn lấy thẻ học từ vựng để học trong khi chờ xe buýt.
  • Mô hình quản lý thời gian cho sinh viên bằng cách chuẩn bị, bắt đầu buổi học đúng giờ và trả bài hoặc bài kiểm tra càng nhanh càng tốt.
  • Đặt kỳ vọng thực tế dựa trên lượng thời gian trong khóa học; tạo các bài tập và bài đọc liên quan đến việc học, không chỉ là công việc bận rộn để chiếm thời gian

Truyền đạt kỳ vọng cao.

Hãy mong đợi nhiều hơn và bạn sẽ nhận được nó. Kỳ vọng cao rất quan trọng đối với tất cả mọi người – đối với những người không có sự chuẩn bị tốt, với những người không sẵn sàng nỗ lực, và với cả những người thông minh và có động lực tốt. Mong đợi sinh viên thể hiện tốt sẽ trở thành một lời cam kết tự thân khi giáo viên và đơn vị trường giữ kỳ vọng cao về bản thân và nỗ lực thêm.

Một số lời khuyên:

  • Làm rõ những kỳ vọng về khóa học bằng lời nói và bằng văn bản khi bắt đầu khóa học
  • Giải thích cho sinh viên về hậu quả của việc không hoàn thành công việc đúng thời hạn hoặc nghỉ học
  • Yêu cầu chỉnh sửa lại các bài tập viết và các vấn đề học tập
  • Khuyến khích sinh viên nỗ lực hết mình và chăm chỉ trong lớp
  • Mong đợi sự tham gia của sinh viên
  • Thiết kế các bài tập thú vị và phù hợp với sinh viên
  • Giới thiệu sinh viên đến trung tâm luyện viết, Trung tâm hỗ trợ thành công cho sinh viên hoặc ở những nơi khác có thể giúp dạy kèm hoặc trợ giúp thêm để các em có thể đáp ứng những kỳ vọng cao.
  • Sử dụng các câu hỏi mẫu trong lớp và bài tập về nhà đại diện cho những gì sẽ được hỏi trong các bài kiểm tra.
  • Cung cấp nhiều câu hỏi/ vấn đề trong các bài kiểm tra hoặc bài tập về nhà với số lượng phân chia cho mỗi bài ít.

Tôn trọng tài năng và cách học đa dạng.

Có nhiều con đường để học. Mọi người mang tài năng và phong cách học tập khác nhau vào đại học. Những sinh viên xuất sắc trong phòng hội thảo có thể vụng về, lóng ngóng trong phòng thí nghiệm hoặc phòng thu nghệ thuật. Sinh viên giàu kinh nghiệm thực hành có thể không làm tốt với lý thuyết. Sinh viên cần cơ hội để thể hiện tài năng của mình và học theo cách phù hợp với các em. Sau đó, các em có thể được thúc đẩy để học theo những cách mới mà không dễ dàng đến như vậy.

Một vài lời khuyên:

  • Sử dụng các hoạt động giảng dạy đa dạng để đáp ứng với nhiều kiểu sinh viên đa dạng khác nhau
  • Trong một bài học, hãy tận dụng nhiều cơ hội học tập để cho sinh viên trải nghiệm  càng nhiều cách học càng tốt (bài giảng, thực hành, trực quan, v.v.)
  • Cung cấp thêm tài liệu hoặc bài tập cho những sinh viên thiếu kiến thức / kỹ năng cơ bản
  • Tôn trọng mọi câu trả lời và tìm kiếm một số ý liên quan, tương thích để khuyến khích sự tham gia của sinh viên
  • Cung cấp các vấn đề mà có thể đưa ra nhiều cách để tìm câu trả lời đúng
  • Cho phép sinh viên một số lựa chọn trong việc hoàn thành các yêu cầu của dự án
  • Sử dụng các kỹ thuật hợp tác mà có thể ghép cặp sinh viên có khả năng kém hơn với những người có khả năng cao hơn

Nguồn: https://www.sc.edu/about/offices_and_divisions/cte/teaching_resources/goodteaching/principles_good_practice/

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *