Notifications
Clear all

Thúc đẩy thảo luận trên lớp học  

  RSS

Tiến Nhật Ngô
(@tiennhat)
Member Moderator
Joined: 5 năm ago
Posts: 28
19/07/2019 3:44 chiều  

Các cuộc thảo luận, về bản chất, là thể hiện đầy đủ các khả năng học tập, và dường như thông qua thảo luận sẽ luôn có một quan điểm khác được thể hiện, đồng thời giúp người tham gia có thể có hiểu thêm về một khía cạnh nào đó. Là một phương pháp giảng dạy, nó cho phép bạn kích thích tư duy phê phán và cung cấp cái nhìn sâu sắc về mức độ hiểu và quá trình suy nghĩ của sinh viên. Các cuộc thảo luận có thể được tiến hành ở cấp độ lớp học, hoặc ở cấp độ nhóm (liên quan đến số lượng sinh viên khác nhau). Bất kể tổ chức thảo luận ở cấp độ nào, điều quan trọng là phải chuẩn bị cẩn thận và tích cực tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận để đảm bảo rằng chúng được tổ chức theo qui tắc nhất định, có tính hòa nhập và thúc đẩy học tập.

Dưới đây là một số lời khuyên về cách tiến hành các cuộc thảo luận lớp có ý nghĩa và hiệu quả:

1. Đặt ra các quy tắc và mong muốn rõ ràng cho các cuộc thảo luận: Có một số quy tắc được trích dẫn nhiều sẽ được nêu ra dưới đây. Hãy cân nhắc việc kết hợp chúng với các tiêu chí đánh giá mức độ tham gia lớp học và các cuộc thảo luận:

a. Tôn trọng quyền giữ các quan điểm riêng, niềm tin và ý kiến khác nhau của mọi người. Chỉ thách thức hoặc bình luận về ý tưởng, chứ không phải đối với người đưa ý tưởng.

b.  Minh chứng cho các câu nói của bạn với bằng chứng rõ ràng.

c. Ghi nhận những đóng góp ý kiến trước đó và làm sao để có sự liên kết giữa các ý kiến đó với quan điểm của bạn.

d. Tiếp cận các cuộc thảo luận như một phương tiện để bày tỏ suy nghĩ, trong đó các ý tưởng và quan điểm có thể thường xuyên được làm rõ để đáp ứng với thông tin mới, cách hiểu mới.

2. Tóm tắt và tổng hợp các ý tưởng và chủ đề thảo luận chính, bằng lời nói hoặc trình bày trực quan lên bảng.

3. Khi câu trả lời chưa được đưa ra ngay lập tức, hãy chờ đợi và kiềm chế việc trả lời câu hỏi của chính bạn quá dễ dàng: Kết quả nghiên cứu cho thấy việc các giảng viên kéo dài thời gian chờ đợi sẽ mang lại lợi ích giáo dục quan trọng – đó là (a) độ dài của câu trả lời của sinh viên đối với câu hỏi tăng lên đáng kể (b) sinh viên suy đoán nhiều hơn về các cách khác nhau nhằm giải thích và suy ngẫm về một chủ đề (c) số lượng câu hỏi mà sinh viên hỏi tăng lên. Theo nguyên tắc chung, giáo viên nên cho phép ít nhất 3 giây thời gian chờ đợi sau khi đặt câu hỏi (Tobin, 1987). Việc đưa ra các câu trả lời nhanh chóng cho các câu hỏi mà bạn đặt ra sẽ tạo ra một kỳ vọng trong sinh viên rằng các em chỉ cần chờ bạn trả lời với những câu hỏi khó. Khi áp dụng phương pháp này, bất kỳ sự không thoải mái nào phát sinh trong quá trình thực hiện sẽ giảm đi khi sinh viên của bạn làm quen với thầy cô bạn bè hơn, và quen với phương pháp giảng dạy của bạn theo cách này.

4. Chỉ dẫn trước một số câu hỏi bạn dự định hỏi trong lớp: điều này đặc biệt có lợi cho những sinh viên rụt rè, khép kín và những sinh viên có khả năng làm tốt hơn khi được cho 1 chút cơ hội để suy nghĩ trước. Nhìn chung, với cách làm này chất lượng của các cuộc thảo luận trên toàn lớp có thể sẽ được cải thiện. Điều này có thể được thực hiện qua email hoặc bằng cách nói chuyện nhanh với các sinh viên được chọn nếu bạn tình cờ nghe thấy các em đưa ra ý tưởng tốt trong các cuộc thảo luận nhóm.

5. Đặt câu hỏi đòi hỏi mức độ tư duy phức tạp hơn: các cuộc thảo luận phong phú hơn xuất hiện khi sinh viên được tiếp cận và được hỏi gợi mở để các
em có cơ hội giải thích, đánh giá và tổng hợp, điều này trái ngược với việc trả lời các câu hỏi có sẵn trong đầu. Bạn cũng có thể ghi trước ra giấy một số câu hỏi định hỏi, cho đến khi bạn quen hơn với cách làm này.

Dạng câu hỏi Ví dụ
Các câu hỏi kết nối, mở rộng thảo luận

Em có thể giải thích theo cách khác được không?
Em có thể đưa ra ví dụ điển hình nào để minh họa
cho vấn đề em đang nói đến?
Em có thể giải thích thuật ngữ em vừa dùng được
không?
Em có thể đưa ra ví dụ minh họa khác cho quan điểm
của mình được không?

Các câu hỏi đặt ra những giả thuyết thú vị

Chiến tranh thế giới thứ 2 sẽ như thế nào nếu
Hitler không quyết định tấn công Liên bang Xô Viết năm 1941?

Các câu hỏi khuyến khích sinh viên tìm hiểu mối quan hệ
giữa nguyên nhân và kết quả.

Hệ quả của việc tăng qui mô lớp học trung bình từ
20 đến 30 sinh viên đối với khả năng tiến hành và tham gia tích cực vào
các cuộc thảo luận của người học là gì?

Các câu hỏi mời sinh viên tóm tắt, tổng hợp vấn đề

Hãy nêu 1 hoặc 2 ý tưởng/ý kiến quan trọng nhất
trong phần thảo luận này.
Nội dung nào vẫn chưa được giải quyết hoặc vẫn gây
tranh cãi về chủ đề này?
Căn cứ vào phần thảo luận của chúng ta ngày hôm
nay, chúng ta cần thảo luận về nội dung gì lần tới để có thể hiểu được
rõ hơn về vấn đề này?

Nguồn: Brookfield, S. D., & Preskill, S. (2012). Discussion as a way of teaching: Tools and techniques for democratic classrooms. John
Wiley & Sons.

Tài liệu tham khảo:

  1. Brookfield, S. D., & Preskill, S. (2012). Discussion as a way of teaching: Tools and techniques for democratic classrooms. John Wiley & Sons.
  2. Rowe, M. B. (1986). Wait time: slowing down may be a way of speeding up!. Journal of teacher education, 37(1), 43-50.
  3. Tobin, K. (1987). The role of wait time in higher cognitive level learning. Review of educational research, 57(1), 69-95.

Nguồn: https://cte.smu.edu.sg/approach-teaching/interactive-delivery/facilitation

This topic was modified 4 năm ago by VNU CTE

Quote
Share: