Đổi mới hoạt động giảng dạy: nền tảng, triết lý, và phương pháp

Đổi mới hoạt động giảng dạy: nền tảng, triết lý, và phương pháp

Với mục tiêu tăng cường tính tự chủ của giảng viên và trang bị phẩm chất, kỹ năng và năng lực cho sinh viên thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, khai thác thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng xu thế tự chủ đại học, ĐHQGHN đã đề ra kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy giai đoạn 2019 – 2025.

Quan điểm chỉ đạo, triết lý và các nhiệm vụ, giải pháp truyền thông cho đổi mới hoạt động giảng dạy là nội dung trao đổi của Giám đốc ĐHQGHN với các cán bộ truyền thông tại buổi làm việc ngày 18/7/2019.

Tham dự buổi làm việc có Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn; đại diện lãnh đạo/phụ trách truyền thông các đơn vị trong toàn ĐHQGHN.

Đổi mới hoạt động giảng dạy – nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn mới

Đổi mới hoạt động giảng dạy là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, khẳng định vị thế, thương hiệu của ĐHQGHN. Lý giải tại sao ĐHQGHN lựa chọn đổi mới hoạt động giảng dạy không những là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 mà cả các năm tiếp theo, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong đó có giáo dục đại học (ĐH) thì chúng ta cần đổi mới nhiều khâu, bao gồm quản trị ĐH, học liệu, quy trình, chương trình, chuẩn đầu ra, kiểm định, đảm bảo chất lượng… Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu làm tốt đổi mới hoạt động giảng dạy sẽ có tính chất lan tỏa mạnh mẽ tới tất cả các khâu khác trong quá trình.

Việc ĐHQGHN tập trung trước hết vào đổi mới hoạt động giảng dạy của người thầy không có nghĩa là bỏ qua triết lý lấy người học làm trung tâm mà thực chất hoạt động này giúp đẩy triết lý lấy người học làm trung tâm lên bình diện mới và thể hiện sâu sắc hơn triết lý này. Đây là con đường giúp cho hoạt động giảng dạy tiếp cận với kỷ nguyên số, phát triển ĐH thông minh, bền vững hay ĐH 4.0.

Hiện nay, các trường ĐH bắt đầu triển khai công nghệ giáo dục và áp dùng công nghệ mới một cách mạnh mẽ. Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) cũng đưa nhiều khuyến cáo trong các kỳ kiểm định tại ĐHQGHN về việc đổi mới hoạt động giảng dạy của giảng viên. Đồng thời, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, qua trao đổi, học tập với các ĐH trong nhóm các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới, ĐHQGHN thấy rằng cần quyết tâm hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng quản trị ĐH, chất lượng giảng dạy, chất lượng/tác động và hiệu quả của hoạt động giảng dạy đến học sinh, sinh viên. Hoạt động đổi mới giảng dạy phải được triển khai một cách bài bản, hệ thống, đồng loạt, toàn diện và có chiều sâu.

Triết lý cá thể hóa trong hoạt động giảng dạy

Để thực hiện kế hoạch đổi mới, lãnh đạo ĐHQGHN đã thống nhất trong chỉ đạo, đổi mới hoạt động giảng dạy dựa trên 3 thành tố chính: sự hỗ trợ toàn diện của nền tảng CNTT, công nghệ số, dữ liệu lớn; cá thế hóa trong giáo dục được chọn làm triết lý lõi như 1 triết lý giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; áp dụng các công nghệ dạy học mới được lựa chọn làm phương tiện cho công cuộc đổi mới.

Thực tế, việc đào tạo chất lượng cao theo hướng cá thể hóa là hoạt động lớn và đã được ĐHQGHN chú trọng và bắt đầu triển khai từ nhiều năm trước. ĐHQGHN đã tích cực thực hiện số hóa nguồn cơ sở dữ liệu; ban hành và thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ; tiên phong trong tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực; đổi mới hoạt động thực tập, thực tế nhằm giúp người học phát huy năng lực…

Người đứng đầu ĐHQGHN chia sẻ, đổi mới hoạt động giảng dạy theo hướng cá thể hóa tức là cần trao quyền tự chủ cao hơn cho giảng viên; việc áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cần linh hoạt, dựa trên tinh thần đề cao vai trò của người học, tạo điều kiện để người học được chủ động tham gia với các hoạt động học tập đa dạng, trong đó có cả việc tự học, tự nghiên cứu; áp dụng các phần mềm quản lý học phần tiên tiến để tăng cường sự phản hồi, tương tác tích cực, thường xuyên của người học với giảng viên và với những người học khác trong quá trình học tập. Đồng thời, cần có cơ chế và công nghệ để kiểm tra, đánh giá một cách sát sao và khách quan, và thước đo ở đây chính là chuẩn đầu ra cho người học.

Giám đốc ĐHQGHN cũng nhấn mạnh, quá trình đổi mới là quá trình lâu dài và đầy thử thách, trong đó công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, con người mới là yếu tố then chốt. Do đó, cần đảm bảo rằng tất cả cán bộ, giảng viên trong toàn ĐHQGHN đều hiểu rõ quan điểm chỉ đạo, chính sách, kế hoạch đề ra và quyết tâm, đồng thuận cũng  như sẵn sàng thay đổi.

Truyền thông có vai trò lan tỏa mạnh mẽ tới từng cá thể trong toàn ĐHQGHN

Đồng hành cùng cán bộ, giảng viên trong toàn ĐHQGHN trong kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy, cùng với việc ban hành các quy định, chính sách, văn bản chỉ đạo, lãnh đạo ĐHQGHN cũng cam kết hỗ trợ tối đa về mọi mặt. Giám đốc chỉ đạo, tiếp tục phát triển nguồn học liệu mở phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu; từng bước số hóa, mô phỏng 3D các bài thực hành, thực tập, xây dựng và hoàn thiện nội dung website môn học. Hoàn thiện hệ thống thiết bị phục vụ giáo dục và hạ tầng thông tin; bổ sung hệ thống giảng đường thông minh…

Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, ngày 11/7/2019, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 2152/QĐ-ĐHQGHN về việc Thành lập Trung tâm hỗ trợ giảng dạy (Center for Teaching Excellence – CTE), thuộc Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục. Trung tâm sẽ là một địa điểm để đồng hành, hỗ trợ giảng viên toàn ĐHQGHN trong hoạt động giảng dạy, đặc biệt là về phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy.

Tuy nhiên, các chính sách, chỉ đạo của lãnh đạo ĐHQGHN sẽ không thể đạt hiệu quả cao và lan tỏa sâu rộng nếu hoạt động truyền thông không được chú trọng, mà trước hết là truyền thông nội bộ. Giám đốc đề nghị bộ phận truyền thông của ĐHQGHN và các đơn vị cần tuyên truyền sâu rộng kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy trong toàn ĐHQGHN; phổ biến, quán triệt chủ trương của ĐHQGHN đến từng cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Hoạt động truyền thông hướng tới tạo ra những thay đổi về chiều sâu trong nhận thức và hành động của giảng viên, của mọi người. Hoạt động này vừa đi trước một bước, vừa song hành với đổi mới hoạt động giảng dạy của ĐHQGHN. Giám đốc yêu cầu, cần đa dạng các hình thức truyền thông, nhân rộng những tấm gương giảng viên tiêu biểu để tất cả mọi người thấy được việc đổi mới không của riêng mỗi cá nhân và ai cũng có thể đổi mới theo từng điều kiện của mình.

(Theo VNU Media)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *