Các hoạt động học chủ động (tích cực)

Các hoạt động học chủ động (tích cực)

Học tập chủ động (học tập tích cực) là dựa trên học thuyết kiến tạo- một lý thuyết học tập khẳng định rằng người học kiến tạo sự hiểu biết của riêng họ đối với một chủ đề bằng việc xây dựng kiến thức mới dựa trên nền tảng kiến thức trước đây của họ. Do đó, triển khai hoạt động học tập chủ động có nghĩa là chuyển trọng tâm của việc dạy từ hình thức truyền thụ kiến thức sang kiến tạo kiến thức của người học thông qua việc tạo ra các nhiệm vụ có chỉ dẫn, các tương tác, bài tập và môi trường giúp khai thác việc học sâu và học có chủ đích. Một lý thuyết nữa có liên quan chặt chẽ đến hình thức học tập này là thuyết kiến tạo xã hội; học thuyết này cho rằng học tập chủ động diễn ra hiệu quả nhất khi sự kiến tạo kiến thức được tiến hành thông qua tương tác giữa người học với người khác.

Vì vậy, những gì được coi là học tập chủ động? Theo Bonwell và Eison (1991), học tập chủ động là “bất cứ điều gì liên quan đến sinh viên trong việc làm và suy nghĩ về những việc họ đang làm” (trang 2), và Felder và Brent (2009) định nghĩa học tập tích cực là “bất cứ điều gì liên quan đến khóa học mà tất cả sinh viên trong một buổi học được yêu cầu thực hiện thay vì chỉ xem, nghe và ghi chú “(trang 2)

Học tập chủ động có liên quan đến các phương pháp giảng dạy khác vốn giúp sinh viên tham gia tích cực vào quá trình kiến tạo kiến ​​thức, bao gồm:

  • Học tập lấy sinh viên làm trung tâm, trong đó nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên là trung tâm của quá trình học tập, thay vì việc chỉ nhằm truyền đạt hết nội dung bài học.
  • Học tập dựa trên vấn đề, trong đó sinh viên được đưa ra một vấn đề hoặc tình huống yêu cầu các em phải tạo ra các câu hỏi, phân tích dẫn chứng, kết nối dẫn chứng đó với các lý thuyết đã có từ trước, rút ​​ra kết luận và suy ngẫm về việc học của các em.
  • Học tập qua trải nghiệm, trong đó sinh viên học bằng cách tham gia vào các hoạt động học tập đích thực, nghĩa là những hoạt động tái tạo các tình huống hoặc vấn đề mà họ có thể gặp phải trong cuộc sống thực hoặc trong tình huống công việc.

Học tập chủ động thúc đẩy việc hiểu vấn đề hơn là chỉ ghi nhớ các thông tin; nhằm khuyến khích sinh viên áp dụng việc học vào các vấn đề và bối cảnh khác nhau; phương pháp này cũng giúp sinh viên tự chủ hơn trong việc học; và giúp sinh viên học cách học.

Dưới đây là rất nhiều các hoạt động học tập chủ động có thể áp dụng trong hầu hết bất cứ một khóa học nào.

THẢO LUẬN CÓ SỬ DỤNG KĨ THUẬT CHUYỀN GĂNG TAY

Phương pháp thực hiện

  1. Giáo viên nói với các sinh viên rằng các em sắp bắt đầu một thảo luận về một vấn đề cụ thể, nhưng các em chỉ được phép đóng góp ý kiến cho nếu các em cầm “găng tay thảo luận” (hoặc một đồ vật tương tự như đồ chơi nhồi bông).
  2. Giáo viên bắt đầu cuộc thảo luận bằng cách ném găng tay cho một trong số các sinh viên. Sau khi đóng góp ý kiến cho phần thảo luận, sinh viên đó ném găng tay đó cho một sinh viên khác, người cũng sẽ đóng góp ý kiến. Sinh viên này sau đó lại ném găng tay cho một sinh viên khác, và cuộc thảo luận sẽ tiếp tục theo cách này cho đến khi vấn đề đã được khai thác, khám phá đầy đủ.

Tại sao nên thực hiện

  • Tiến hành thảo luận theo cách này sẽ khuyến khích những sinh viên dè dặt, ít nói tham gia vào cuộc thảo luận.
  • Hoạt động này cũng giúp tránh việc một hoặc hai sinh viên thể hiện lấn át trong thảo luận.

Một số chia sẻ khác

  • Nếu sinh viên bắt phải chiếc găng tay mà không có ý kiến gì để đóng góp thì em đó có thể ném găng tay cho bạn khác nhưng sau đó sẽ phải đăng phần đóng góp ý kiến tương đương lên diễn đàn thảo luận trực tuyến của khóa học.
  • Tại cuối buổi thảo luận theo hình thức ném găng tay như thế này, giáo viên có thể hỏi xem có ai chưa có cơ hội bắt được găng tay mà vẫn muốn nói thì có thể mời sinh viên đó trình bày ý kiến.

XẾP HÀNG ĐƯA Ý KIẾN

Phương pháp thực hiện

  • Giáo viên giới thiệu vấn đề hoặc tình huống chẳng hạn như sau: khi mua rau củ quả, một bác sĩ da liễu phát hiện thấy một ông già đứng cạnh cô dương như có nốt ruồi ung thư sau gáy, cô ấy có nên thông báo với ông ấy về vấn đề này không?
  • Giáo viên sau đó yêu cầu sinh viên xếp hàng tại vị trí phù hợp với ý kiến của các em: vị trí ở cuối lớp là ý kiến “Có, cô ấy chắc chắn cần phải nói với ông ấy.”, đầu kia của lớp sẽ là ý kiến “Không, cô ấy tuyệt đối không nên nói với ông ấy”, và khoảng không gian ở giữa 2 vị trí trên sẽ thể hiện ý kiến rằng “Tôi không chắc”, “Còn tùy”, “Có thể có, có thể không”, v.v.
  • Một khi sinh viên xếp hàng xong tại vị trí lựa chọn, giáo viên sẽ yêu cầu các em thảo luận ý kiến với các bạn xung quanh. Hoặc một cách khác nữa là giáo viên có thể yêu cầu sinh viên ghép cặp với một bạn ở vị trí đầu đằng kia của lớp để thảo luận về các ý kiến trái chiều với nhau.

Tại sao nên thực hiện

  • Việc cho sinh viên xác định lập trường của mình về một vấn đề so với các bạn học trong lớp sẽ giúp cho các em suy nghĩa và làm rõ lý do tại sao các em lại có quan điểm đó.

Một số chia sẻ khác

  • Đối với những vấn đề phức tạp hơn, giáo viên có thể sử dụng 4 góc lớp để thể hiện các ý kiến khác nhau.

NHÓM CÁC MẨU GIẤY GHI CHÚ

Phương pháp thực hiện

  • Giáo viên cung cấp cho sinh viên một câu hỏi hoặc một vấn đề, và sau đó đưa cho các em 3-4 tờ giấy ghi chú.
  • Trên mỗi tờ ghi chú đó, sinh viên sẽ viết một ý kiến.
  • Sinh viên dán tờ giấy ghi chú lên tường hoặc bảng trắng, và sau đó phối hợp với nhau để di chuyển các tờ giấy đó nhằm phân loại các ý kiến thành các mục khác nhau.

Tại sao nên thực hiện

  • Hoạt động này kết hợp động não (ghi lại các ý tưởng) với tư duy phê phán (sắp xếp các ý tưởng thành các danh mục).

Một số chia sẻ khác

  • Giáo viên có thể xem xét việc chụp ảnh các ghi chú dán đã được phân loại và đăng lên diễn đàn thảo luận về khóa học để sinh viên có thể tham khảo thêm sau.

HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG DẤU CHẤM DÍNH

Phương pháp thực hiện

  1. Giáo viên thảo luận về một vấn đề hoặc một nghiên cứu trường hợp với sinh viên cho đến khi các em có thể tạo ra nhiều quan điểm khác nhau.
  2. Giáo viên viết mỗi một quan điểm lên một tờ giấy to và treo từng tờ giấy đó vào các vị trí khác nhau của lớp học.
  3. Giáo viên cho mỗi sinh viên năm (hoặc số lương tương đương) các chấm dính và yêu cầu sinh viên đi đến từng tờ giấy to để dán các chấm dính của các em theo mức độ các em ủng hộ một quan điểm nhất định nào đó: nếu các em hoàn toàn ủng hộ một quan điểm, các em có thể đặt tất cả các dấu chấm của mình lên tờ đó; nếu các em ủng hộ một vài quan điểm cùng lúc thì các em có thể đặt hai chấm dính trên một tờ và ba chấm dính trên một tờ khác, hoặc thậm chí một chấm dính trên mỗi tờ.
  4. Sinh viên đánh giá trực quan sự phân bố của các chấm dính trên mỗi tờ giấy thể hiện mỗi quan điểm.

Tại sao nên thực hiện

  • Việc phân bố các dấu chấm dính thể hiện toàn bộ ý kiến ​​của cả lớp và có thể được sử dụng như một lời khuyến khích để thảo luận thêm, hoặc như một cách giới hạn những quan điểm nào sẽ cần chú ý thêm trong lớp.

Một số chia sẻ khác

  • Thay vì sử dụng các dấu chấm dính, giáo viên có thể nói cho sinh viên biết các em sẽ có năm dấu tick để phân bổ theo ý muốn, sử dụng các dấu đó đánh vào bên cạnh mỗi tờ giấy thể hiện từng quan điểm.

HOẠT ĐỘNG “BỂ CÁ”

Phương pháp thực hiện

  1. Giáo viên yêu cầu bốn hoặc năm sinh viên tình nguyện tham gia trong lớp bước tới để thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Nhiệm vụ có thể là một quy trình vật lý như chuẩn bị một mẫu vật cho kính hiển vi hoặc một hoạt động phân tích như tranh luận về ưu và nhược điểm của một vấn đề.
  2. Khi nhóm tình nguyện tham gia vào nhiệm vụ (giả sử trong một bể cá ảo), các sinh viên khác quan sát, ghi chú hoặc đánh giá phần thể hiện của các bạn. Giáo viên có thể yêu cầu các sinh viên quan sát tập trung vào các khía cạnh cụ thể – chẳng hạn như nếu các sinh viên trong bể cá đang tham gia vào một cuộc thảo luận, giáo viên có thể yêu cầu các sinh viên khác ghi lại những giả định mà những sinh viên đó đang ngầm đưa ra. Hoặc nếu nhiệm vụ là một qui trình cụ thể có thực, giáo viên có thể yêu cầu các sinh viên quan sát xác định các cách mà nhiệm vụ có thể được thực hiện hiệu quả hơn, hoặc đơn giản là được thực hiện theo một cách khác.
  3. Sau khi các sinh viên trong bể cá đã hoàn thành nhiệm vụ của họ, các sinh viên khác báo cáo về những gì họ quan sát hoặc những gì họ học được từ việc xem các bạn thể hiện nhiệm.

Tại sao nên thực hiện

  • Hoạt động của bể cá có thể áp dụng tốt trong các lớp học đông, nơi mọi người khó có thể tham gia vào cùng một nhiệm vụ: các sinh viên trong bể cá hoạt động như những người học được ủy nhiệm cho các bạn của mình.
  • Các sinh viên quan sát học được không phải bằng cách thực hiện nhiệm vụ mà bằng cách phản ánh về cách thực hiện nhiệm vụ.

Một số chia sẻ khác

Thay vì báo cáo về những gì các em quan sát được ngay sau khi nhiệm vụ bể cá được hoàn thành, sinh viên có thể làm tương tự sau đó trong một nhóm thảo luận trực tuyến

ĐỘNG NÃO TÍCH LŨY

Phương pháp thực hiện

  1. Giáo viên viết một vấn đề hoặc câu hỏi khác lên bốn hoặc năm tờ giấy lớn, sau đó treo những tờ giấy đó quanh lớp học.
  2. Giáo viên yêu cầu các sinh viên thành lập các nhóm khoảng năm thành viên mỗi nhóm.
  3. Mỗi nhóm đi đến vị trí đặt các tờ giấy khác nhau và trong ba hoặc bốn phút các em ghi lại một số ý tưởng liên quan đến vấn đề được viết trên tờ giấy đó.
  4. Mỗi nhóm sau đó luân phiên đi đến chỗ đặt các tờ giấy tiếp theo và các em ghi lại những ý kiến của các em liên quan đến vấn đề đó. Các em có thể thêm ý tưởng mới, hoặc có thể đề xuất các ý kiến trái ngược với các ý kiến được viết bởi nhóm trước hoặc các em có thể xác nhận một ý tưởng được viết bởi nhóm trước bằng cách đặt dấu tích bên cạnh nó.
  5. Các nhóm tiếp tục luân chuyển từ tờ giấy này sang tờ giấy khác cho đến khi mỗi nhóm đều có thể đưa ra nhận xét về tất cả các vấn đề được nêu. Mỗi nhóm sau đó quay trở lại tờ giấy ban đầu của mình và đánh giá hoặc tổng hợp những gì đã được viết ở đó.
  6. Một thành viên từ mỗi nhóm báo cáo lại cho cả lớp.

Tại sao nên thực hiện

  • Hoạt động hợp tác này thúc đẩy học tập sâu bằng cách khuyến khích sinh viên xây dựng hoặc đánh giá những ý tưởng của nhau.

Một số chia sẻ khác

  • Động não tích lũy cũng có thể được thực hiện trong một nhóm nhỏ: mỗi sinh viên trong nhóm ghi lại một ý tưởng liên quan đến một vấn đề khác nhau. Mỗi sinh viên sau đó đưa tờ giấy của họ cho sinh viên bên trái (theo chiều kim đồng hồ), người sẽ thêm ý tưởng hoặc nhận xét vào tờ giấy vừa nhận được. Điều này tiếp tục cho đến khi tất cả các sinh viên đã nhận xét trên tất cả các tờ giấy.

SỬ DỤNG NGUỒN LỰC CỘNG ĐỒNG (NGUỒN LỰC ĐÁM ĐÔNG)

Phương pháp thực hiện

  1. Nói với sinh viên của bạn rằng bạn sẽ viết lên bảng trắng mọi thứ các em biết, hoặc nghĩ rằng các em biết, về một chủ đề nhất định. Bạn có thể yêu cầu sinh viên đưa ra thông tin hoặc để có cách tiếp cận theo trình tự hơn, hãy để các em giơ tay trước khi nói (hoặc sử dụng hoạt động thảo luận được mô tả ở trên).
  2. Ví dụ, vào ngày đầu tiên của khóa học Shakespeare, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên chia sẻ mọi điều các em biết về tác giả đó. Một sinh viên có thể đưa ra ý kiến rằng tác giả được sinh ra vào thế kỷ XVI. Một sinh viên khác có thể nói rằng tác giả sống cùng thời với Nữ hoàng Elizabeth I. Một bạn khác có thể nói thêm rằng tác giả đã viết các tác phẩm Hamlet, Macbeth, và Romeo và Juliet. Ngay cả khi một sinh viên đóng góp một thông tin gì đó không chính xác – chẳng hạn như, “Shakespeare đã đến thăm Bắc Mỹ” – ​​giáo viên vẫn viết nó vào bảng trắng.
  3. Hoạt động tiếp tục được tiến hành cho đến khi sinh viên không thể nghĩ về bất cứ điều gì hơn nữa, hoặc cho đến khi chủ đề được khai thác đầy đủ.
  4. Tiếp đó, giáo viên yêu cầu các sinh viên sắp xếp thông tin thành các tiểu mục – như cuộc sống của Shakespeare, các vở kịch của ông, chính trị thế kỷ XVI, v.v.
  5. Sau đó, giáo viên nhận xét về các thông tin khác nhau mà sinh viên đã đóng góp, tạo kết nối giữa các thông tin, xây dựng và sửa chữa nếu có thông tin sai.

Tại sao nên thực hiện

  • Hoạt động này giúp sinh viên cảm thấy được tham gia và gắn kết vào quá trình tích lũy và sau đó là tổng hợp thông tin.

Một số chia sẻ khác

  • Hoạt động này có thể được thực hiện trực tuyến thông qua công cụ wiki (như tài liệu Google trực tuyến): nghĩa là nhiều sinh viên có thể thêm thông tin vào tài liệu cùng một lúc.

SỬ DỤNG THIẾT BỊ BẤM CLICKERS

Phương pháp thực hiện

  1. Giáo viên chiếu một câu hỏi trắc nghiệm lên màn hình lớp học.
  2. Không tham khảo ý kiến ​​của bạn mình, sinh viên sử dụng thiết bị bấm clicker của các em để trả lời câu hỏi.
  3. Hệ thống clicker biến các câu trả lời thành một biểu đồ dạng thanh: có bao nhiêu người chọn đã chọn A, bao nhiêu người đã chọn B, v.v. Giáo viên chiếu biểu đồ thanh lên màn hình để sinh viên xem xét.
  4. Giáo viên đưa ra cùng một câu hỏi, nhưng lần này yêu cầu sinh viên thảo luận về nó trong các nhóm nhỏ trong vài phút.
  5. Các sinh viên sử dụng các thiết bị bấm clicker của các em để một lần nữa trả lời câu hỏi.
  6. Giáo viên chiếu đồ thị dạng thanh hiển thị kết quả mới và giải thích câu trả lời đúng là gì và tại sao.

Tại sao nên thực hiện

  • Hoạt động này thúc đẩy hướng dẫn đồng đẳng: sinh viên giải thích lý lẽ của các em với nhau và học hỏi lẫn nhau (các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hướng dẫn đồng đẳng giúp sinh viên học hỏi hiệu quả).
  • Các thiết bị clicker giúp cho hoạt động này được tiến hành dưới hình thức một trò chơi, làm cho sinh viên thích thú hơn.

Một số chia sẻ khác

  • Kết quả của biểu đồ thanh thứ hai có thể giúp giáo viên quyết định phải làm gì tiếp theo: nếu hầu hết các sinh viên chọn câu trả lời đúng, thì giáo viên có thể giải thích ngắn gọn tại sao nó đúng; nhưng nếu hầu hết các sinh viên vẫn chọn câu trả lời không chính xác, thì giáo viên có thể sẽ cần dành nhiều thời gian hơn để xem lại tài liệu trước khi tiếp tục.
  • Hoạt động này tiến hành hiệu quả nhất khi nó được thực hiện thường xuyên trong một lớp: giáo viên giải thích ngắn gọn một khái niệm, sau đó thực hiện hoạt động sử dụng thiết bị bấm clicker như mô tả ở trên, sau đó giải thích ngắn gọn về khái niệm tiếp theo, sau đó thực hiện một hoạt động clicker khác, v.v. Thông thường, trong một lớp học kéo dài một giờ, giáo viên có thể hỏi ba đến năm câu hỏi sử dụng thiết bị bấm clicker.

SUY NGẪM- LÀM VIỆC THEO CẶP- CHIA SẺ

Phương pháp thực hiện

  1. Đặt một câu hỏi, vấn đề hoặc một tình huống cho sinh viên và yêu cầu các em suy nghĩ về nó trong vài phút.
  2. Tiếp theo, yêu cầu sinh viên tạo thành các cặp trong đó các em thảo luận về ý tưởng tương ứng của mỗi người.
  3. Mời sinh viên chia sẻ kết quả làm việc theo cặp của mình với cả lớp.

Tại sao nên thực hiện

  • Yêu cầu sinh viên giải thích ý tưởng của mình cho người bạn làm theo cặp giúp các em làm rõ suy nghĩ của chính mình.
  • Sinh viên sẽ sẵn sàng chia sẻ một ý tưởng với cả lớp hơn sau khi lần đầu tiên chia sẻ nó với người bạn ghép đôi của mình.

Một số chia sẻ khác

  • Bạn có thể phát triển thêm hoạt động này bằng cách: sau khi các sinh viên kết thúc cuộc thảo luận ghép đôi của mình, mỗi cặp có thể tham gia với một cặp sinh viên khác để thảo luận thêm về ý tưởng của các em.

SUY NGẪM TRONG MỘT PHÚT

Phương pháp thực hiện

  1. Cho sinh viên một phút để ghi lại câu trả lời cho câu hỏi, ví dụ như  “Điều gì quan trọng nhất các em học được trong giờ học này?”
  2. Mời (nhưng không yêu cầu) sinh viên của bạn để lại phản hồi của các em với thầy/cô khi các em rời rời khỏi lớp.

Tại sao nên thực hiện

  • Việc yêu cầu sinh viên chắt lọc một bài thuyết trình hoặc một đơn vị bài học vào một câu hoặc câu hỏi duy nhất sẽ giúp các em học sâu hơn.
  • Các phản xạ trong một phút, nếu sinh viên chia sẻ chúng với giáo viên, có thể cung cấp cho người giáo viên đó một cái nhìn tổng thể nhanh về những gì các em đang nghĩ, những gì các em đã học và những khía cạnh của chủ đề bài học chưa sáng tỏ.

Một số chia sẻ khác

  • Hoạt động phản xạ trong một phút có xu hướng được tiến hành vào cuối buổi học, nhưng chúng cũng có hiệu quả vào các thời điểm khác trong giờ học, chẳng hạn như khi một đơn vị học liệu đã được hoàn thành và một đơn vị khác sắp được thực hiện.

TRANH LUẬN CÓ CẤU TRÚC

Phương pháp thực hiện

  1. Giáo viên chọn bốn sinh viên để đại diện cho bên ủng hộ của một vấn đề được nêu và bốn sinh viên đại diện cho bên phản đối. Các sinh viên còn lại đóng vai trò là khán giả hoặc là giám khảo của cuộc tranh luận.
  2. Hai đội thay phiên nhau đưa ra các lập luận, đưa ra phản bác và tóm tắt ý, như trong bất kỳ hình thức tranh luận tiêu chuẩn nào.
  3. Sau khi cuộc tranh luận kết thúc, các sinh viên đóng vai làm giám khảo sẽ báo cáo về đánh giá của họ về cuộc tranh luận.

Tại sao nên thực hiện

  • Một cuộc tranh luận có cấu trúc cung cấp cho các nhà tranh luận cơ hội thực hành trong việc tìm kiếm bằng chứng và đưa ra các lập luận; nó cũng cung cấp cho các sinh viên đang theo dõi cuộc tranh luận cơ hội để thực hành đánh giá phê bình các bằng chứng và lập luận.

Một số chia sẻ khác

  • Cũng sẽ là một ý tưởng hay nếu giáo viên cung cấp cho các sinh viên đóng vai làm giám khảo với một phiếu đánh giá có qui định các tiêu chí rõ ràng. Việc này sẽ giúp các em xác định và đánh giá các khía cạnh khác nhau của cuộc tranh luận.

Nguồn trích dẫn

CTE teaching tips

Các nguồn khác

This Creative Commons license lets others remix, tweak, and build upon our work non-commercially, as long as they credit us and indicate if changes were made. Use this citation format: Active Learning Activities. Centre for Teaching Excellence, University of Waterloo.

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *