Cách viết chuẩn đầu ra
Khi bắt đầu thiết kế học phần, giảng viên thường tập trung vào vấn đề nội dung giảng dạy, nhưng kết quả cuối cùng của học phần cũng quan trọng không kém: đó là kết quả học tập của sinh viên. Chuẩn đầu ra (CĐR) tập trung vào điều đó – nó làm rõ sinh viên cần có khả năng biết gì, làm gì và thấy được giá trị gì sau khi hoàn thành học phần. Chúng cũng chính là chìa khóa để xây dựng một học phần tương thích (aligned course), trong đó nội dung, bối cảnh và các chiến lược giảng dạy, các hoạt động học tập và đánh giá cùng nhau hỗ trợ việc đạt được CĐR của sinh viên. Các gợi ý dưới đây phác thảo các nguyên tắc then chốt cần xem xét khi xây dựng CĐR và các ví dụ cụ thể. Các nguyên tắc được thảo luận ở đây có thể cũng được áp dụng ở cấp chương trình đào tạo để đạt được các kết quả bao trùm hơn hoặc ác mô-đun riêng lẻ trong học phần.
Mục tiêu giảng dạy và chuẩn đầu ra
Xem xét các CĐR dưới đây:
- Phản ánh các mối quan tâm của cá nhân và xã hội.
- Trình bày rõ ràng các phỏng đoán và phát hiện các bằng chứng.
- Phân tích hành vi của các hệ thống phi tuyến tính xác thực
- Nhận diện được tất cả các cấu trúc cú pháp chính của ngôn ngữ La-tinh.
- Phê bình nhiều cách tiếp cận phương pháp luận đối với nghiên cứu văn học.
Mỗi một CĐR này đều tập trung vào người học, chỉ rõ mỗi sinh viên nên có khả năng biết, làm và/hoặc đánh giá ở cuối học phần.
Ngược lại, mục đích hoặc mục tiêu giảng dạy lại có xu hướng tập trung vào những gì chúng ta sẽ làm với tư cách là người hướng dẫn và các cơ hội mà học phần sẽ đem lại cho sinh viên:
- Đưa ra những thách thức nguồn nhân lực khác nhau và tìm hiểu những tác động đối với các quyết định kinh doanh
- Cung cấp cho sinh viên cơ hội tham gia vào cuộc đối thoại mở về tác động của công nghệ đối với xã hội
- Bao gồm các chủ đề sau: Công thức Euler, số phức và phân tích đa thức (Factoring Polynomials)
- Tăng cường sự hiểu biết của sinh viên về sự chuyển tiếp giai đoạn và lý thuyết Landau
- Giới thiệu bao quát về vi sinh học cho những người không phải là nhà sinh học
Thay vì tập trung vào những gì một giảng viên sẽ thực hiện trong một học phần, CĐR tập trung vào những gì người học có thể đạt được, và do đó có thể chuyển trọng tâm thiết kế hoạt động giảng dạy sang hoạt động học tập của sinh viên. Các CĐR sẽ nhắc chúng ta: “Các nhiệm vụ hoặc hoạt động học tập nào sẽ giúp sinh viên của tôi đạt được CĐR của học phần?” Theo cách này, CĐR trở nên có giá trị vì chúng nhằm mục đích mô tả những gì sẽ tạo thành bằng chứng về hoạt động học tập của sinh viên – chúng giúp người dạy suy nghĩ về cách tốt nhất để đánh giá hoạt động học tập đó.
Đặc điểm của các chuẩn đầu ra hiệu quả
Để giúp cho việc đánh giá dễ dàng hơn, hãy đảm bảo rằng ba nguyên tắc sau đây khi xây dựng CĐR học phần.
Tính cụ thể
Không quá chung chung hoặc quá cụ thể. Hãy xem xét một CĐR liên quan đến kỹ năng viết:
• Kết thúc học phần, sinh viên có thể viết một bài luận.
Trừ khi CĐR này là dành cho một học phần giới thiệu về sáng tác, vấn đề với việc “viết một bài luận” là nó quá mơ hồ khiến cho việc đánh giá không dễ dàng. CĐR này không thể hiện mối liên hệ với các kỹ năng phân tích mà bạn mong muốn sinh viên thể hiện trong các bài tiểu luận hoặc với nội dung của học phần.
Ngược lại, CĐR có thể quá cụ thể:
• Tóm tắt Chiến tranh và Hòa bình trong một bài luận dài 5 trang
Tính cụ thể của CĐR này khá cứng nhắc đối với CĐR ở cấp độ học phần; nó sẽ phù hợp với cấp độ bài tập/nhiệm vụ. Vậy bạn thực sự muốn sinh viên có thể làm gì? Họ có thể đạt được CĐR nếu bài luận dựa trên một cuốn sách khác không? Một bài luận 5 trang có phải là một thành phần quan trọng của việc đánh giá? Có cách nào khác để hoàn thành nhiệm vụ viết hơn là thông qua một bài luận không?
Để cải thiện tuyên bố CĐR này, hãy xem xét những gì sinh viên của bạn cần đạt được trong học phần. Họ chỉ cần hiểu văn bản hay họ cần phân tích nó? Có lẽ trọng tâm là kỹ năng phát triển một lập luận trong một bài tiểu luận, việc phân tích văn bản chỉ là một thành phần thứ yếu. CĐR dưới đây cụ thể hơn, nhấn mạnh vào kỹ năng phân tích hơn là kỹ năng viết:
• Đánh giá sự phát triển nhân vật trong văn học Nga thế kỷ 19
Cách sử dụng từ ngữ của CĐR cũng rất quan trọng: các động từ hành động như viết, tóm tắt và đánh giá kết nối với các hành vi học tập rõ ràng hơn là hiểu hoặc biết. Các CĐR cụ thể sẽ giúp sinh viên định hướng phương pháp học tập mà họ cần cũng như giúp bạn thiết kế học phần của mình tốt hơn.
Tính khả thi
Một CĐR có tính khả thi mô tả một kỳ vọng thực tế của bạn đối với sinh viên. Ví dụ, bạn không thể yêu cầu sinh viên năm thứ nhất ngành kế toán phân tích một trường hợp thuế phức tạp vì họ sẽ không có kiến thức tiên quyết cần thiết. Tương tự, sinh viên kỹ thuật hoặc toán học sẽ không thể nghiên cứu các phương trình vi phân trước khi họ học về vi tích phân trong năm đầu tiên. Trong cả hai trường hợp trên, cần phải đảm bảo một quá trình tuyến tính thông qua chương trình giảng dạy. Trong các ngành khác, nội dung giảng dạy có thể không thay đổi nhiều như các hoạt động học tập bắt buộc. Hãy xem xét việc đánh giá các bài báo của các sinh viên năm thứ hai và các học viên cao học. Trong khi chúng ta mong đợi sinh viên năm thứ hai tìm thấy các nguồn tài liệu đáng tin cậy, các học viên cao học cần đánh giá phê bình những bài báo đó. Việc biết được vị trí học phần của bạn trong chương trình giảng dạy sẽ giúp bạn xác định những gì sinh viên có thể đạt được một cách hợp lý.
Khi viết CĐR, Thang Bloom (1956) là một công cụ hữu ích trong việc xác định mức độ sinh viên cần đạt được. Bloom và các đồng nghiệp đã phân chia việc học thành ba phạm trù: kiến thức (cognitive), kĩ năng (psychomotor) và thái độ (affective). Ngày nay, chúng ta mở rộng phạm trù kỹ năng bao gồm một loạt các kỹ năng (ví dụ: giải quyết vấn đề, tư duy phê phán, giao tiếp, v.v.).
Trong mỗi phạm trù lại có một hệ thống phân cấp học tập thể hiện sự phức tạp ngày càng tăng. Phạm trù kiến thức có sáu cấp độ: biết, hiểu, ứng dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá. Năm 2001, Anderson và Krathwohl đã sửa đổi hệ thống phân cấp ban đầu, ví dụ, việc tạo ra thứ gì đó đòi hỏi một mức độ tư duy cao hơn so với việc đánh giá sự sáng tạo của người khác. Hệ thống phân cấp phạm trù nhận thức được trình bày trong Bảng 1.
Cấp độ nhận thức | Các từ khóa liên quan |
Nhớ (Remember) | Hồi tưởng, ghi nhớ, kết nối, chọn lọc, nhận diện, lựa chọn, phác thảo… |
Hiểu (Understand) | Định nghĩa, tóm tắt, phân loại, mô tả, trình bày, giải thích… |
Vận dụng (Apply) | Đề xuất, kiểm tra, chỉnh sửa, dự đoán, xây dựng, sử dụng, thể hiện, giải quyết, tính toán… |
Phân tích (Analyze) | Phân biệt, điều tra, phân tích, xem xét, đặt vấn đề… |
Đánh giá (Evaluate) | Đánh giá, cho ý kiến, bình luận, kiểm tra, thẩm vấn… |
Sáng tạo (Create) | Phát triển, thiết kế, thiết lập, xây dựng, thiết kế, sáng tác, đề xuất, tập hợp… |
Bảng 1: Thang Bloom được hiệu chỉnh bởi Anderson và Krathwohl
Bloom cũng xây dựng hệ thống phân cấp cho hai phạm trù kỹ năng và thái độ. Thang dưới đây thể hiện độ phức tạp tăng dần liên quan tới hoạt động học tương ứng với mỗi phạm trù.
Phân cấp phạm trù kỹ năng | Phân cấp phạm trù thái độ |
1. Bắt chước (Imitation) | 1. Tiếp thu (Recieving) |
2. Thao tác (Manipulation) | 2. Đáp ứng (Responding) |
3. Làm chuẩn xác (Precison) | 3. Hình thành giá trị (Valuing) |
4. Liên kết (Articulation) | 4. Tổ chức (Organisation) |
5. Tự nhiên hóa (Naturalization) | 5. Đặc trưng hóa (Characterization) |
Bảng 2: Thang phân cấp Bloom theo phạm trù kỹ năng và thái độ.
Có hàng nghìn ví dụ về CĐR mà bạn có thể tìm thấy trên mạng. Chỉ một lệnh tìm kiếm “các động từ Bloom” (Bloom Verbs) cho ra kết quả là rất nhiều động từ để lựa chọn tùy theo phạm trù và cấp độ trong thang phân cấp. Lựa chọn các động từ này giúp cho việc viết các CĐR cụ thể hơn.
Khi bạn chọn cấp độ phù hợp với sinh viên, một vấn đề khác cần xem xét là CĐR nào có tính khả thi cho một học phần có thời lượng 12 tuần. Các yếu tố bối cảnh khác có thể ảnh hưởng tới CĐR bao gồm: quy mô lớp học, học phần tự chọn hay bắt buộc, sinh viên từ cùng một CTĐT hay các CTĐT khác nhau, năm học, cấp độ của CTĐT, số lượng giảng viên, trợ giảng… Các yếu tố này có thể khiến bạn phải xem xét lại vấn đề bạn có thể giúp sinh viên học được điều gì và làm thế nào để bạn đánh giá CĐR của học phần một cách hiệu quả.
Đo lường được
CĐR phải đo lường được. Bạn cần đánh giá xem từng yêu cầu đã được thực hiện ở mức độ nào. Mỗi CĐR cần liên quan đến các câu hỏi hoặc hoạt động đánh giá cụ thể như một phương tiện thu thập bằng chứng về hoạt động học tập. Việc sử dụng bảng ma trận có thể giúp bạn xác định xem tất cả CĐR có được đánh giá trong học phần của bạn không.
Tính cụ thể của CĐR sẽ giúp ích cho việc đo lường đánh giá. Ví dụ, nếu CĐR chỉ ra rằng sinh viên sẽ hiểu các mạch điện, làm thế nào để đo lường được? Sinh viên có thể lắp và kiểm tra một mạch điện hoặc chỉ đơn giản là vẽ sơ đồ của một mạch điện không? Tuyên bố CĐR mơ hồ sẽ khiến cho việc đánh giá hoạt động học tập thực tế khó khăn. Việc xác định các phương pháp kiểm tra, đánh giá mà bạn muốn sử dụng có thể giúp bạn viết CĐR chính xác hơn.
CĐR có thể liên quan đến các phạm trù học tập khác nhau và các cấp độ khác nhau trong các phạm trù đó nên việc đo lường đánh giá cũng khác nhau. Một số loại CĐR có thể đo lường đánh giá được rất đơn giản (ví dụ: những loại ở khoảng dưới của phạm trù kiến thức hoặc các hoạt động cụ thể trong phạm trù kỹ năng). Ví dụ, việc đo lường rất rõ ràng khi phần kiểm tra, đánh giá có câu trả lời đúng/sai. Trong môn toán, học sinh có thể chứng minh khả năng áp dụng các phương trình nhất định thông qua các bài tập hoặc câu hỏi kiểm tra; họ nhận được điểm khi trả lời đúng và không có điểm khi trả lời sai. Tuy nhiên, không phải tất cả các CĐR đều dễ dàng đánh giá như vậy. Một CĐR yêu cầu sinh viên phân tích một văn bản theo một lý thuyết phê bình văn học cụ thể có thể được đánh giá thông qua một bài viết phân tích hoặc bài thuyết trình xê-mi-na, nhưng sẽ không có một sản phẩm tối ưu cuối cùng. Trong những trường hợp như vậy, thông thường có thể xây dựng các tiêu chí cho hướng dẫn chấm điểm (rubrics) có thể được sử dụng để đánh giá mức độ đáp ứng của các tiêu chí khác nhau.
Việc đo lường, đánh giá các CĐR về sự thay đổi thái độ hoặc giá trị thay vì đánh giá các hành vi cụ thể có thể còn khó khăn hơn. Những CĐR này thường là các CĐR về phạm trù thái độ. Có thể sẽ hiệu quả hơn khi xem xét những bằng chứng nào có thể được thu thập làm chỉ số cho sự thay đổi hơn là tập trung vào việc đo lường đánh giá. Ví dụ: bạn có thể thu thập những bằng chứng nào để chứng minh rằng các CĐR sau đây đã được đáp ứng:
- Đánh giá các tác phẩm nghệ thuật từ thế kỷ 20
- Đánh giá việc học tập suốt đời trong phát triển nghề nghiệp
- Đánh giá về tác động của tình trạng kinh tế xã hội đối với tiếp cận giáo dục đại học
Ví dụ về học tập suốt đời, nếu một sinh viên tìm hiểu về các học phần về giáo dục thường xuyên (continuing education) và lập kế hoạch phát triển nghề nghiệp cho tương lai, bằng chứng này có thể chứng minh rằng họ thấy được giá trị của việc học tập suốt đời. Viết nhật ký hoặc sử dụng các loại tài liệu phục vụ học tập khác như ePortfolios có thể cung cấp cho sinh viên một phương tiện để giải thích hoặc thể hiện những thay đổi trong suy nghĩ. Những phương tiện này không đảm bảo cho một sự thay đổi, nhưng chúng thể hiện những chỉ số học tập. Việc đo lường đánh giá trở nên khó khăn hơn đối với các CĐR ít tính cụ thể. Việc phát triển các rubric hỗ trợ việc xác định các đặc điểm chính của các giá trị hoặc cách tiếp cận mới hoặc đã thay đổi có thể giúp cho việc đánh giá các CĐR đó.
References
Anderson, L. W., & Krathwohl, D. R. (2001). A Taxonomy for learning, teaching and assessing: A revision of Bloom’s Taxonomy of Educational Objectives. New York: Longman.
Bloom, B. S. (1956). Taxonomy of educational objectives: The classification of educational goals. New York: D. MacKay.
Theo: Writing Intended Learning Outcomes. Centre for Teaching Excellence, University of Waterloo.