Chương trình tập huấn về phương pháp và công nghệ dạy học mới
I. MỤC TIÊU
1.1. Mục tiêu chung
Chương trình tập huấn được thiết kế nhằm góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho giảng viên và giáo viên.
Chương trình nhằm cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng nền tảng về dạy học trực tuyến (Online Learning) và dạy học kết hợp (Blended Learning), giúp người học nâng cao năng lực giảng dạy và sẵn sàng cho các hoạt động đổi mới giảng dạy. Cụ thể, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học có thể:
– Làm việc hiệu quả và thích nghi với bối cảnh đổi mới giảng dạy tại Việt Nam và trên thế giới;
– Áp dụng được các lý thuyết về mô hình đào tạo kết hợp (Blended Learning) và đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra (Outcome-Based Education) để đổi mới nội dung học phần và tổ chức giảng dạy học phần;
– Làm chủ được hoạt động dạy học trực tuyến trong các bối cảnh khác nhau.
– Phát triển, đa dạng hóa được nội dung giảng dạy của học phần phù hợp với tiếp cận giáo dục kết hợp;
– Tích hợp các chiến lược, phương pháp dạy – học tích cực và phù hợp trong các bối cảnh đào tạo trực tuyến hoặc đào tạo kết hợp;
– Áp dụng được các thực hành tốt (best practices) để tổ chức giảng dạy theo tiếp cận dạy học kết hợp và cá thể hóa;
– Xây dựng và phát triển được 01 học phần dạy học trực tuyến hoặc theo tiếp cận giáo dục kết hợp, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu về đổi mới hoạt động dạy học của giảng viên, giáo viên tại đơn vị.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Người học được trang bị:
– Các kiến thức cơ bản nguyên tắc, cách thức xây dựng đề cương học phần, kế hoạch và nội dung học phần, phương pháp giảng dạy theo tiếp cận chuẩn đầu ra (Outcome-based Education) và tiếp cận dạy học dạy học kết hợp;
– Các kiến thức cơ bản về dạy học trực tuyến (online learning) và dạy học kết hợp (Blended Learning); những xu hướng phát triển của giáo dục đại học hiện đại; mối liên hệ và sự tương hỗ của phương thức dạy học trực tuyến và dạy học truyền thống; ứng dụng phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy và học;
– Các phương pháp và kĩ thuật dạy học theo tiếp cận dạy học trực tuyến, dạy học kết hợp;
– Các lý thuyết và thực hành hiện đại trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học theo phương thức đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp.
Người học được cung cấp các kỹ năng sau:
– Đánh giá được một khóa học có sử dụng công nghệ kỹ thuật số và các hoạt động học tập trực tuyến;
– Thể hiện được khả năng tìm hiểu độc lập và thực hành hiệu quả trong các bối cảnh dạy học trực tuyến;
– Thiết kế học phần, tổ chức bài học theo tiếp cận dạy học kết hợp, thực hành dạy học kết hợp và hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho người học;
– Khảo sát, thu thập và xử lý thông tin từ người học thông qua các ứng dụng công nghệ;
– Xây dựng, phát triển nội dung dạy học, sử dụng các phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy theo tiếp cận dạy học kết hợp; kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học;
– Lựa chọn và sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ trong việc tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, thực hiện các hoạt động dạy – học tương tác, khảo sát người học, và kiểm tra – đánh giá người học;
– Tổ chức và quản lí lớp học theo quy định và nhiệm vụ của giảng viên.
Giúp người học:
– Xác định được tầm quan trọng và cách thức sử dụng các công nghệ trực tuyến trong học tập, giảng dạy và thiết kế khóa học trong giáo dục đương đại;
– Hình thành lòng say mê, hứng thú và tinh thần đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy;
– Sẵn sàng chia sẻ, lan tỏa tinh thần đổi mới, thực hành xuất sắc tới cộng đồng giảng viên tại đơn vị;
– Nâng cao ý thức tự học và học tập suốt đời nhằm phát triển và hoàn thiện năng lực chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
II. CÁCH THỨC HỌC TẬP
2.1 Đối tượng học tập
Giảng viên, giáo viên.
2.2. Phương pháp học tập
Chương trình tập huấn có thể triển khai theo 2 cách thức khác nhau:
- Trực tiếp 100% tại đơn vị, hoặc;
- Trực tuyến trên hệ thống VNU-LMS (hệ thống quả lý học tập trực tuyến của ĐHQGHN)
Việc học tập trên hệ thống VNU-LMS có thể được thực hiện thông qua nhiều thiết bị khác nhau:
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
3.1. Cấu trúc của CTĐT:
Chương trình tập huấn được tổ chức thành 7 mô-đun tương ứng với 7 chủ đề cốt lõi liên quan đến dạy học trực tuyến/ kết hợp. Trong đó, Mô đun M1 có trọng tâm cung cấp các chiến lược và phương pháp giảng dạy trực tuyến, các mô-đun M2, M3, M4, M5, M6 hướng tới các hoạt động thực hành, ứng dụng công nghệ để thực hiện các hoạt động dạy học trực tuyến hoặc dạy học kết hợp (blended learning) cụ thể. Mô-đun M7 được thiết kế theo hình thức bài tập dự án với mục tiêu giúp giảng viên tạo lập được một lớp học trực tuyến hoàn thiện trên nền tảng quản lý học tập trực tuyến.
Mô-đun | Nội dung | Thời lượng học tập khuyến nghị
(đơn vị tính: giờ) |
M1 | Phương pháp dạy học trực tuyến | 20 |
M2 | Thiết kế khảo sát và công cụ khảo sát trực tuyến trong giảng dạy và nghiên cứu | 10 |
M3 | Xây dựng video bài giảng và học liệu điện tử | 10 |
M4 | Tổ chức các hoạt động dạy – học tương tác bằng công cụ trực tuyến | 10 |
M5 | Thiết kế các hoạt động kiểm tra – đánh giá theo tiếp cận phát triển năng lực người học | 10 |
M6 | Thiết kế học phần theo tiếp cận giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra (OBE) | 10 |
M7 | Dự án thiết kế học phần theo tiếp cận giáo dục kết hợp | 20 |
3.2. Yêu cầu đối với người học:
– Học viên phải hoàn thành tối thiểu 6/7 mô-đun và bài tập dự án (thuộc mô-đun 7, M7) để được xem xét cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình tập huấn. Trong đó, mô-đun 6 và mô-đun 7 là nội dung bắt buộc.
– Tiến độ học tập, mức độ tham gia các hoạt động tương tác và mức độ hoàn thành các mô-đun của người học được quản lý, theo dõi và đánh giá thường xuyên trên hệ thống quản lý học tập VNU LMS.
– Hoàn thành đúng hạn các bài tập, nhiệm vụ yêu cầu trong từng mô-đun.
– Hoàn thành 01 dự án thiết kế 01 học phần theo tiếp cận dạy học trực tuyến hoặc dạy học kết hợp.
IV. MÔ TẢ NỘI DUNG KIẾN THỨC CỦA CÁC KHÓA TẬP HUẤN
4.1. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TRỰC TUYẾN
Mục đích
Khóa học cung cấp các gợi ý và hướng dẫn thực hành cụ thể để các giáo viên, giảng viên có thể thiết kế và tổ chức giảng dạy hiệu quả theo hình thức trực tuyến (Online Learning); hoặc kết hợp (Blended Leanring).
Học liệu
- Hệ thống bài đọc cốt lõi
- Video bài giảng
- Video nghiên cứu trường hợp
- Học liệu/bài đọc trực tuyến
- Hoạt động tự đánh giá
- Bài tập đa dạng
Bài giảng video
60 bài giảng và case study dưới dạng video 55 videos thảo luận, ôn tập
Khóa học bao gồm 8 chủ đề
- Chủ đề 1: Vai trò, ý nghĩa của giảng dạy trực tuyến
- Chủ đề 2: Các giải pháp công nghệ hỗ trợ dạy học trực tuyến
- Chủ đề 3: Lập kế hoạch dạy học trực tuyến
- Chủ đề 4: Tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến
- Chủ đề 5: Kiểm tra, đánh giá trực tuyến
- Chủ đề 6: Khai thác học liệu trực tuyến
- Chủ đề 7: Tương tác và thu hút người học
- Chủ đề 8: Đánh giá, cải tiến chất lượng
4.2. THIẾT KẾ KHẢO SÁT VÀ CÔNG CỤ KHẢO SÁT TRỰC TUYẾN TRONG GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU
Mục đích
- Khóa tập huấn hướng đến giúp người học:
- Hiểu được vai trò của hoạt động tìm hiểu người học, vai trò và đặc điểm của hoạt động khảo sát trong dạy học để chuẩn bị sẵn sàng cho lớp học
- Thiết kế được một nghiên cứu điều tra khảo sát tuân thủ các bước trong nghiên cứu khoa học
- Sử dụng thành thạo các tính năng của các công cụ khảo sát (Google Forms, Microsoft Forms hoặc công cụ tích hợp trên LMS) vào việc tổ chức khảo sát để xây dựng các bài kiểm tra đánh giá và thiết kế các mẫu phiếu khảo sát phục vụ nghiên cứu khoa học
- Áp dụng được các yêu cầu, đặc điểm của khảo sát trực tuyến trong quá trình xây dựng phiếu hỏi và phiếu kiểm tra đánh giá
Chuẩn đầu ra
- Nhận thức rõ được vai trò của khảo sát người học trong giảng dạy, cá thể hóa giảng dạy và cải tiến hoạt động giảng dạy;
- Áp dụng được các yêu cầu, đặc điểm của khảo sát và khảo sát trực tuyến trong quá trình xây dựng phiếu hỏi;
- Sử dụng thành thạo các tính năng của Google Forms trong quá trình khảo sát;
- Áp dụng được kết quả khảo sát vào việc điều chỉnh hoạt động Giảng dạy phù hợp với năng lực người học;
- Sử dụng thành thạo một số tính năng khác của Google Forms: khảo sát nghiên cứu, tạo bài kiểm tra và các tính năng nâng cao.
Nội dung tập huấn
- Chủ đề 1. Tầm quan trọng của khảo sát người học trong giảng dạy
- Chủ đề 2. Thiết kế nghiên cứu khảo sát trong giáo dục
- Chủ đề 3. Sử dụng Google Forms trong nghiên cứu khảo sát
4.3. XÂY DỰNG VIDEO BÀI GIẢNG VÀ HỌC LIỆU ĐIỆN TỬ
Mục đích
Khóa tập huấn này hướng đến giúp người học xây dựng video bài giảng và học liệu điện tử để tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến bằng các công cụ phổ biến như Canva, PowerPoint, Loom
Chuẩn đầu ra
- Xác định được nội dung sẽ xây dựng video bài giảng cho học phần giảng dạy theo tiếp cận dạy học kết hợp.
- Sử dụng được một số công cụ xây dựng nội dung phổ biến để thiết kế video bài giảng và học liệu điện tử.
- Xây dựng được một số nội dung giảng dạy dưới dạng video.
- Xây dựng được một số tài liệu hỗ trợ giảng dạy, học tập dưới dạng thông tin đồ hoạ (infographic).
Nội dung tập huấn
- Chủ đề 1: Tìm hiểu về nguyên tắc xây dựng và sử dụng các loại học liệu, video bài giảng trong dạy học trực tuyến
- Chủ đề 2: Hướng dẫn sử dụng Canva thiết kế học liệu, video bài giảng hỗ trợ dạy học
- Chủ đề 3: Hướng dẫn sử dụng PowerPoint xây dựng video bài giảng
- Chủ đề 4: Hướng dẫn Sử dụng Loom ghi màn hình Desktop xây dựng video bài giảng
4.4. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY – HỌC TƯƠNG TÁC BẰNG CÔNG CỤ TRỰC TUYẾN
Mục đích
Khóa tập huấn này hướng đến giúp người học hiểu được các nguyên tắc cơ bản để tổ chức các hoạt động dạy học tương tác trực tuyến và biết cách tổ chức các hoạt động dạy học tương tác sử dụng các công cụ trực tuyến.
Chuẩn đầu ra
- Hiểu được các nguyên tắc cơ bản để quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học tương tác.
- Sử dụng các ứng dụng công nghệ (Quizizz, Mentimeter, Stormboard, Jamboard,…) để quản lý và tổ chức các hoạt động tương tác trong quá trình dạy học.
- Áp dụng phù hợp và sáng tạo các ứng dụng công nghệ trong các tình huống giảng dạy tương tác cụ thể.
- Đánh giá được ưu, nhược điểm của các ứng dụng và áp dụng phù hợp với thực tế giảng dạy.
Nội dung tập huấn
- Chủ đề 1: Các nguyên tắc và một số lưu ý trong dạy học tương tác trực tuyến
- Chủ đề 2: Điểm danh và khởi động lớp học
- Chủ đề 3: Tổ chức thảo luận, làm việc nhóm và thu thập ý kiến phản hồi của người học trong lớp học trực tuyến
- Chủ đề 4: Giám sát, kiểm tra kiến thức của người học
4.5. THIẾT KẾ CÁC HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA – ĐÁNH GIÁ THEO TIẾP CẬN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC
Mục đích
Khóa tập huấn này hướng đến trang bị cho người học những kiến thức và kĩ năng cơ bản về thiết kế các hoạt động kiểm tra – đánh giá trong dạy học trực tuyến hoặc kết hợp nhằm hỗ trợ phát triển năng lực người học và đo lường được mức độ đạt được chuẩn đầu ra.
Chuẩn đầu ra
- Củng cố nhận thức về đánh giá năng lực người học.
- Hình thành và rèn luyện kỹ năng thiết kế và triển khai hoạt động đánh giá năng lực.
- Hình thành và rèn luyện kĩ năng thiết kế và sử dụng kiểm tra đánh giá như một phương pháp giảng dạy.
Nội dung tập huấn
- Chủ đề 1: Đánh giá năng lực người học: mục đích và các nguyên tắc
- Chủ đề 2: Đánh giá năng lực thực hành: quy trình và công cụ
- Chủ đề 3: Đánh giá năng lực nhận thức: quy trình và công cụ đánh giá
- Chủ đề 4: Đánh giá quá trình và phát triển năng lực người học
4.6. THIẾT KẾ HỌC PHẦN THEO TIẾP CẬN GIÁO DỤC DỰA TRÊN CHUẨN ĐẦU RA
Mục đích
Khóa tập huấn hướng đến giúp người học áp dụng được các lý thuyết về mô hình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra (Outcome-Based Education) để đổi mới nội dung học phần và tổ chức giảng dạy học phần.
Chuẩn đầu ra
- Hiểu được mô hình giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra (OBE) một số lý thuyết liên quan và phương thức áp dụng trong đổi mới giảng dạy.
- Hiểu và vận dụng được tiếp cận giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra trong thiết kế nội dung học phần, các hoạt động giảng dạy, hoạt động kiểm tra – đánh giá của học phần.
- Thiết kế được đề cương học phần theo tiếp cận đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra.
- Đánh giá được mức độ đáp ứng của học phần đối với tiếp cận giáo dục kết hợp.
Nội dung tập huấn
- Chủ đề 1: Tổng quan về mô hình đào tạo dựa trên CĐR (Outcome Based Edcuation – OBE), và phương thức áp dụng trong thiết kế học phần.
- Chủ đề 2: Phương pháp viết chuẩn đầu ra cho học phần.
- Chủ đề 3: Thiết kế hoạt động giảng dạy để thực hiện CĐR.
- Chủ đề 4: Thiết kế hoạt động kiểm tra, đánh giá đáp ứng CĐR
4.7. DỰ ÁN THIẾT KẾ HỌC PHẦN THEO TIẾP CẬN DẠY HỌC TRỰC TUYẾN/ KẾT HỢP
Mô-đun này được thiết kế theo phương thức dạy học thông qua dự án nhằm giúp giảng viên, giáo viên áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học từ 7 mô-đun trên để xây dựng và phát triển 01 học phần/môn học theo tiếp cận dạy học trực tuyến hoặc kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) phục vụ cho hoạt động dạy học của bản thân tại đơn vị
Thầy/cô có thể truy cập link để tham khảo thêm thông tin về chương trình tập huấn: Đường link
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Đăng ký tham dự chương trình tập huấn : https://forms.gle/G8H2QYLDmpcoDkmRA
Điện thoại/Zalo: 038.896.8381
Website: cte.vnu.edu.vn;
Fanpage: https://www.facebook.com/cte.vnu;
Email: cte@vnu.edu.vn ; cte.vnu@gmail.com;
Youtube: https://www.youtube.com/@ctevnu;