Lựa chọn nội dung và cấu trúc học phần
Bạn đang thiết kế học phần, và bây giờ là lúc quyết định nội dung và cấu trúc học phần. Thông thường, chúng ta có rất nhiều điều để nói về một chủ đề hơn những gì chúng ta có thể dạy trong một kỳ.
Có một quy tắc là sinh viên cần dành 8-10 giờ mỗi tuần cho học phần của bạn, bao gồm cả thời gian lên lớp. Vậy thì quyết định như thế nào đây? Sau đây là một số lời khuyên nhằm hỗ trợ cho những nhiệm vụ mất thời gian nhưng rất quan trọng này:
Tìm kiếm nội dung
- Tìm trong bộ môn của bạn những đề cương trước đây nếu bạn dạy học phần đã từng được giảng dạy trước đó. Cũng nên kiểm tra lịch trình học phần của trường bạn và đọc mô tả học phần để đảm bảo học phần đáp ứng mô tả đã đưa ra.
- Tìm những học phần tương tự ở các trường khác nếu học phần của bạn là môn mới (hoặc nếu bạn muốn có một số ý tưởng mới). Nói chuyện với đồng nghiệp cùng ngành của bạn hoặc lên mạng để tìm các học phần.
- Xem lại các giáo trình trong ngành của bạn Đây có thể là một cách dễ dàng để định vị không chỉ nội dung có thể giảng dạy mà cả các cấu trúc học phần đã có sẵn. Các nhà xuất bản sẽ gửi giáo trình để bạn đánh giá. Luôn nghĩ về sinh viên của bạn khi chọn giáo trình - không chỉ nghĩ đến năng lực và kinh nghiệm trong quá khứ của sinh viên về chủ đề mà cả hạn chế về thời gian của họ.
- Nếu giáo trình không sẵn có hoặc không phù hợp, bạn có thể phải tạo một tập hợp bài đọc hoặc bài giảng cho học phần. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để biên soạn dạng tài nguyên này, vì vậy hãy dành một vài tháng cho việc này. Cũng cần tính đến thời gian có thể cần để xin giấy phép bản quyền nhằm sao chép và bán các tài liệu đã được xuất bản. Ở Waterloo có một ủy ban về bản quyền và một số nguồn lực sẵn có để giúp bạn đảm bảo việc tuân thủ Luật Bản quyền Canada. Nếu bạn có câu hỏi hãy gửi email đến copyright@uwaterloo.ca. Tìm hiểu trước những điều có thể làm được để tránh việc học phần của bạn dựa vào một số tài liệu mà bạn không dễ dàng có được cho sinh viên.
Lựa chọn nội dung
Đặt ra một số tiêu chí để giúp chọn nội dung phù hợp cho học phần của bạn. Tài liệu về thiết kế học phần gợi ý một số tiêu chí sau đây:
- Phù hợp với mục tiêu học phần
- Quan trọng trong ngành học
- Dựa trên hoặc liên quan đến nghiên cứu
- Thu hút sự quan tâm của sinh viên
- Không trùng lặp quá mức với kinh nghiệm hoặc kiến thức trong quá khứ của sinh viên
- Đa chức năng (giúp dạy nhiều hơn một khái niệm, kỹ năng, hoặc vấn đề)
- Kích thích tìm tòi ý nghĩa
- Khuyến khích nghiên cứu sâu hơn
- Thể hiện các mối quan hệ qua lại giữa các khái niệm
Tổ chức nội dung
Có nhiều kỹ thuật sắp xếp khái niệm để giúp bạn quyết định cấu trúc tổ chức nội dung. Ý tưởng chủ chốt là nêu tên, bằng một hoặc hai từ, những chủ đề hoặc khái niệm chính cho học phần của bạn, sau đó cố gắng hình dung vị trí của chúng trong trang. Bạn có thể sử dụng phương pháp thứ bậc hoặc đặt khái niệm vào giữa trang và triển khai từ đó. Đặt các từ vào các hộp hoặc bong bóng và nối chúng bằng đường kẻ hoặc mũi tên để thể hiện cách thức liên kết của tài liệu. Có thể bạn cũng muốn đặt các động từ lên những đường nối để làm rõ mối quan hệ giữa các ý tưởng. Đối với phương án linh hoạt hơn, cố gắng sử dụng phiếu mục lục hoặc giấy dán cho mỗi khái niệm, thay vì các hộp trong một trang giấy và di chuyển chúng xung quanh cho đến khi bạn tìm được một cấu trúc có ý nghĩa. Đối với những người suy nghĩ tuyến tính, tạo danh sách các mục và tiểu mục cũng có hiệu quả tương tự.
Một số gợi ý sắp xếp các chủ đề hoặc khái niệm bao gồm:
- Lần lượt các chủ đề - Không có mối quan hệ nhất định giữa các chủ đề, vì vậy thứ tự không quan trọng. Chẳng hạn, cách này phù hợp với các khóa học xoay quanh các vấn đề hiện nay.
- Theo trật tự thời gian - Di chuyển từ quá khứ đến hiện tại là một cách rất phổ biến và dễ dàng để thực hiện cấu trúc tổ chức học phần.
- Nguyên nhân - Học phần trình bày một số sự kiện hoặc vấn đề dẫn đến một số tác động hoặc giải pháp cuối cùng.
- Tích lũy - Mỗi khái niệm phát triển dựa trên những khái niệm trước đó.
- Lấy vấn đề làm trung tâm - Các vấn đề, câu hỏi, hoặc trường hợp thể hiện các đặc điểm tổ chức cơ bản của học phần.
- Xoắn ốc - Các chủ đề hoặc khái niệm chính được lặp lại trong học phần, mỗi lần đều phát triển thông tin hoặc hiểu biết mới.
Trong mỗi lớp, cũng cần cân nhắc cách tổ chức tài liệu của bạn để sinh viên có thể học và ghi nhớ nó. Các triết lý học tập khác nhau được thể hiện. Một số ý tưởng có thể cân nhắc gồm:
- Bắt đầu với việc sinh viên đã biết gì và sau đó chuyển sang mô hình hoặc lý thuyết trừu tượng.
- Bắt đầu với các ví dụ cụ thể, chẳng hạn trường hợp điển hình, đoạn tin tức, hoặc tình huống thực tế, sau đó hình thành các khái niệm trừu tượng.
- Bắt đầu với một giải pháp, kết luận hoặc mô hình và quay trở lại với câu hỏi.
- Cho sinh viên thời gian để suy nghĩ, độc lập hoặc thông qua thảo luận, về việc học gì và học như thế nào.
- Bao gồm thời gian thực hành, cùng với phản hồi, trên lớp hoặc trong các bài tập để sinh viên học cách làm việc với các khái niệm và nhận được hỗ trợ trong các nội dung bài tập.
Nguồn
- Geis, G.L. (1996) “Planning and Developing Effective Courses.” In R.J. Menges and M. Weimer (eds.), Teaching on Solid Ground. San Francisco, CA: Jossey-Bass