CTE công bố kết quả HẠNG MỤC I Giải thưởng Đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN

Chủ đề năm học 2020 – 2021: “Đổi mới hoạt động dạy – học theo tiếp cận giáo dục kết hợp”

 

HẠNG MỤC I – Dự án xuất sắc về xây dựng học phần/môn học theo tiếp cận giáo dục kết hợp

Trong 2 ngày 19-20/10/2020, các giảng viên/giáo viên đăng ký tham gia Hạng mục 1 đã trình bày thuyết minh Dự án trước Hội đồng đánh giá. 05 Dự án xuất sắc nhất đã được lựa chọn và hỗ trợ kinh phí để triển khai, với mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/dự án. Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy sẽ trao giải thưởng “Nhà giáo dục đổi mới sáng tạo 2020” của ĐHQGHN (VNU Innovative Educators 2020) tới các giảng viên/giáo viên của 05 Dự án trên tại sự kiện Ngày hội đổi mới giảng dạy tại ĐHQGHN – VNU Teaching Festival (dự kiến tổ chức ngày 19/1/2020)

Xin chúc mừng các Thầy/Cô thuộc 05 Dự án xuất sắc sau đây:

DỰ ÁN SỐ 5: THIẾT KẾ HỌC PHẦN “KHỞI NGHIỆP” THEO HƯỚNG BLENDED LEARNING

Đại diện nhóm tác giả: Nhóm chuyên gia IDEAL và các cộng sự thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và các đơn vị khác thuộc ĐHQGHN.

– Các thành viên trong nhóm đều đã được đào tạo chuyên sâu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo chương trình của dự án VIBE do ĐHQGHN phối hợp với Đại sứ quán Ireland và ĐH Dublin thực hiện và các khóa đào tạo khác.

– Nhóm chuyên gia thực hiện dự án có kinh nghiệm thực hiện 2 nhiệm vụ thuộc đề án 844 của Bộ KH&CN (Hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025) và các dự án khác.

Nhóm tác giả:

  • Thành viên 1: TS. Lê Thanh Huyền (GV Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN), chuyên gia về Lý luận và công nghệ dạy học, Phương pháp dạy học Ngữ văn, Phương pháp dạy học trong môi trường trực tuyến…
  • Thành viên 2: TS. Hoàng Thị Bảo Thoa (GV Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN), chuyên gia về xây dựng mô hình kinh doanh, khởi nghiệp tinh gọn, kêu gọi đầu tư.
  • Thành viên 3: TS. Trần Tuyết Thu (GV Trường ĐH KHTN – ĐHQGHN), chuyên gia về đổi mới sáng tạo, khoa học về môi trường, được tập huấn chuyên sâu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có kinh nghiệm và hiểu biết về đối tượng thử nghiệm của dự án
  • Thành viên 4: TS. Trần Thị Huyền Nga (GV Trường ĐH KHTN – ĐHQGHN), chuyên gia về đổi mới sáng tạo, khoa học môi trường, được tập huấn chuyên sâu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có kinh nghiệm và hiểu biết về đối tượng thử nghiệm của dự án
  • Thành viên 5: TS. Phan Quốc Nguyên (GV Khoa Luật – ĐHQGHN), chuyên gia về luật doanh nghiệp, thuế doanh nghiệp, luật sư về sở hữu trí tuệ và sáng chế
  • Thành viên 6: TS. Nguyễn Mai Hương (CV Văn phòng Các chương trình KH&CN quốc gia, Bộ KH&CN)
  • Thành viên 7: ThS. Phan Hồng Giang (Doanh nhân, GV thỉnh giảng ĐH KHXH&NV, ĐH Ngoại ngữ) chuyên gia về quản lý dự án, quản trị doanh nghiệp

Mục tiêu của dự án

Mục tiêu chung

  • Đề xuất điều chỉnh, bổ sung đề cương môn học
  • Thiết kế xây dựng mô hình dạy học học phần theo hướng Blended learning

Mục tiêu cụ thể

  • Đề xuất điều chỉnh mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung, phương pháp kiểm tra đánh giá của học phần
  • Đề xuất phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng Blended learning
  • Thiết kế, xây dựng và bổ sung nguồn học liệu để phục vụ định hướng Blended learning
  • Thực nghiệm mô hình dạy học Blended learning, tổng kết, đánh giá đề xuất áp dụng cho các học phần khác trong chương trình đào tạo
  • Đề xuất cơ sở vật chất để phục vụ định hướng Blended learning

DỰ ÁN SỐ 1: ĐỔI MỚI HỌC PHẦN “TƯ DUY SÁNG TẠO VÀ THIẾT KẾ Ý TƯỞNG” THEO TIẾP CẬN GIÁO DỤC KẾT HỢP (TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN – ĐHQGHN)

Đại diện nhóm tác giả: TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng – Phó Trưởng Khoa Văn học và 09 thành viên:

  • Thành viên 1: PGS. TS. Phạm Xuân Thạch – Trưởng Khoa Văn học – Điều hành chung
  • Thành viên 2: TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng – Phó Trưởng Khoa Văn học – Phụ trách chuyên môn
  • Thành viên 3: TS. Đào Minh Quân – Phó Trưởng Phòng Đào tạo – Phụ trách công nghệ
  • Thành viên 4: TS. Nguyễn Thuỳ Linh – Thành viên
  • Thành viên 5: TS. Trần Thị Thục – Thành viên
  • Thành viên 6: TS. Trần Thanh Việt – Thành viên
  • Thành viên 7: ThS. Nguyễn Thị Bích –  Thành viên
  • Thành viên 8: NCS. Nguyễn Hương Ngọc – Thành viên
  • Thành viên 9: ThS. Lê Thị Tuân – Thành viên
  • Thành viên 10: TS. Tạ Thị Thanh Huyền – Thành viên

Kinh nghiệm giảng dạy và thế mạnh của tác giả/nhóm tác giả thực hiện dự án: Nhóm tác giả xây dựng dự án bao gồm những cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy văn học, nghệ thuật học của Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bao gồm các lĩnh vực cụ thể: văn học Việt Nam, văn học phương Tây, văn học phương Đông, văn học và văn hoá dân gian, nghệ thuật học. PGS. TS. Phạm Xuân Thạch – người điều hành chung của nhóm, là Trưởng Khoa Văn học, có kinh nghiệm quản lý và điều hành các dự án, các nhóm làm việc, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo của đơn vị. TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng – phụ trách chuyên môn, là người đã có kinh nghiệm quản lý và điều hành Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, hiện là Phó Trưởng Khoa phụ trách đào tạo đại học của Khoa Văn học, đã tham gia nhiều khoá tập huấn về nghiệp vụ sư phạm và đổi mới sáng tạo như: Khoá học Nhà giáo dục đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Dự án VIBE (là một trong những học viên VIBE khoá 3 được chọn đi học tập thực tế tại Học viện sáng tạo UCD, 1 trong 20 đại sứ đổi mới sáng tạo VIBE pha 2), Khoá đào tạo giảng viên nguồn Công dân tích cực và Doanh nghiệp xã hội do Bộ Giáo dục – Đào tạo và Hội đồng Anh tổ chức, 2 Khoá ToT về Nghiên cứu chính sách và Chính sách và Quản lý do Trường Đại học KHXH&NV phối hợp với Quỹ Luxembourg tổ chức), là người trực tiếp đề xuất, xây dựng học phần Tư duy sáng tạo và thiết kế ý tưởng và điều hành nhóm giảng viên của học phần. TS. Đào Minh Quân – người phụ trách công nghệ, là Phó Trưởng Phòng Đào tạo, có kinh nghiệm quản lý, điều hành đào tạo, có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin, công nghệ dạy học. Các thành viên khác trong nhóm đều là những giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, có trách nhiệm với công việc và đam mê sáng tạo, khát vọng đổi mới giảng dạy để nâng cao hiệu quả công việc. Nhóm tác giả có tinh thần và kinh nghiệm làm việc nhóm, đã từng phối hợp hiệu quả trong nhiều công việc cụ thể của thực tế nghề nghiệp.

Mục tiêu của dự án

Mục tiêu chung

Chuyển đổi từ giảng dạy trực tiếp sang hình thức giảng dạy kết hợp (blended learning) để nâng cao hiệu quả và chất lượng của học phần Tư duy sáng tạo và thiết kế ý tưởng

Mục tiêu cụ thể

  • Xây dựng bài giảng dưới hình thức sketchnote được số hoá để phát huy năng lực sáng tạo, cá thể hoá bài giảng của mỗi lớp học phần.
  • Xây dựng các video bài giảng để thực hiện hình thức Lớp học đảo ngược cho một số nội dung học tập.
  • Tổ chức một số nội dung học tập dựa trên sự vận dụng các công cụ trực tuyến để phát huy năng lực sáng tạo và khả năng kết nối người học trong môi trường trực tuyến.

DỰ ÁN SỐ 2: ĐỔI MỚI HỌC PHẦN “THIẾT KẾ ĐIỀU TRA KHẢO SÁT VÀ CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ” THEO TIẾP CẬN GIÁO DỤC KẾT HỢP

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thúy Nga, Khoa Quản trị chất lượng, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN.

Kinh nghiệm giảng dạy và thế mạnh của tác giả/nhóm tác giả thực hiện dự án: Tác giả đã có thời gian giảng dạy ở nhiều môi trường như THPT, Đại học, các chương trình đào tạo từ xa… từ năm 2000 đến nay. Qua quá trình giảng dạy và học hỏi từ các chuyên gia và đồng nghiệp; tham gia các khóa tập huấn giảng dạy, đổi mới chương trình; cùng với việc được đào tạo chính quy về ngoại ngữ và ngôn ngữ, tác giả đã tiếp cận với các phương pháp đổi mới giáo dục trong và ngoài nước để ứng dụng đổi mới với những học phần mình phụ trách. Thế mạnh về ngoại ngữ, công nghệ và sự yêu thích khám phá đã giúp ích rất nhiều cho tác giả khi xây dựng, triển khai và cập nhật những thay đổi cho các học phần phụ trách.

Mục tiêu của dự án

Mục tiêu chung

Điều chỉnh học phần ‘Thiết kế điều tra khảo sát và công cụ đánh giá’ theo hướng giáo dục kết hợp nhằm phát huy tối đa thế mạnh của ứng dụng công nghệ và cá nhân hóa học tập của mỗi học viên.

Mục tiêu cụ thể

  • Bổ sung, điều chỉnh đề cương học phần theo hướng giáo dục kết hợp, triển khai học phần với tỉ lệ 30% trực tuyến, 70% trực tiếp (theo định mức cho phép của trường ĐHGD).
  • Xây dựng các nội dung và hoạt động trong lớp học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
  • Xây dựng và hoàn thiện các bộ công cụ đánh giá trực tiếp và trực tuyến.
  • Phát triển nguồn học liệu mở cho học phần

DỰ ÁN SỐ 3: XÂY DỰNG HỌC PHẦN “CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG” TẠI ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ – ĐHQGHN

Đại diện nhóm tác giả: ThS. Khoa Anh Việt – Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN và 04 thành viên.

  • Thành viên 1: Khoa Anh Việt              Vai trò trong nhóm: Trưởng nhóm
  • Thành viên 2: Trịnh Văn Tiệp              Vai trò trong nhóm: Giảng viên
  • Thành viên 3: Nguyễn Văn Chăm        Vai trò trong nhóm: Giảng viên
  • Thành viên 4: Trịnh Hải Tuấn              Vai trò trong nhóm: Hỗ trợ kỹ thuật
  • Thành viên 5: Nguyễn Tiến Dũng        Vai trò trong nhóm: Hỗ trợ kỹ thuật

Kinh nghiệm giảng dạy và thế mạnh của tác giả/nhóm tác giả thực hiện dự án: Hơn 10 năm giảng dạy các học phần: Tin học Cơ sở, Ứng dụng CNTT trong dạy học ngoại ngữ, Tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhóm có chuyên gia, cố vấn tham gia công tác chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, do đó luôn được cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực này, có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế. Có nhóm sinh viên cộng tác để tham gia các hoạt động khảo sát, phân tích, hỗ trợ triển khai. Có nhóm chuyên gia ngoài để mời thỉnh giảng, bổ sung kiến thức cho sinh viên.

Mục tiêu của dự án

Mục tiêu chung

Học phần Công nghệ Thông tin và Truyền thông được xây dựng nhằm đổi mới học phần Tin học cơ sở theo hướng hiện đại hơn, thích ứng với thời đại công nghệ 4.0. Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, truyền thông mà ai cũng cần biết thời nay, rất hữu dụng cho sinh viên sau khi học tập tại đại học, tốt nghiệp và đi làm. Học phần cũng nhằm đáp ứng Quyết định 1982/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Mục tiêu cụ thể

Học phần Công nghệ Thông tin và Truyền thông được thiết kế cho sinh viên thuộc chương trình đào tạo cử nhân của Nhà trường. Khóa học nhằm giúp sinh viên: Nắm được các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông trong thời đại số;Sử dụng thành thạo các kỹ năng về công nghệ tin và truyền thông trong công việc như: sử dụng thư điện tử, tra cứu và xác thực thông tin trên mạng, quản lý truyền thông mạng xã hội, cộng tác trực tuyến, quản lý cơ sở dữ liệu, thiết lập tệp trình chiếu, soạn thảo văn bản, xây dựng logo, slogan, và landing page; Có ý thức ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào công việc hàng ngày, nâng cao chất lượng của công việc, phong cách làm việc trong xã hội hiện tại.

DỰ ÁN SỐ 4: PHÁT TRIỂN TƯ DUY SÁNG TẠO VÀ KHỞI NGHIỆP CHO SINH VIÊN TẠI ĐHQGHN THÔNG QUA HỌC PHẦN “TƯ DUY THIẾT KẾ” THEO TIẾP CẬN GIÁO DỤC KẾT HỢP”

Đại diện nhóm tác giả: TS. Hoàng Thị Bảo Thoa – Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN và 4 thành viên thuộc Trường ĐH Việt Nhật, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Giáo dục.

  • Thành viên 1: TS. Hoàng Thị Bảo Thoa – Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN
  • Thành viên 2: TS. Lư Thị Thanh Lê – Trường ĐH Việt Nhật – ĐHQGHN
  • Thành viên 3: TS. Đào Thị Diệu Linh – Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN
  • Thành viên 4: NCS. Lê Thanh Huyền – Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN

Kinh nghiệm giảng dạy và thế mạnh của nhóm tác giả thực hiện dự án:

Nhóm tác giả là các giảng viên, cán bộ quản lý đến từ nhiều đơn vị khác nhau trong Đại học Quốc gia Hà Nội, bao gồm Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Việt Nhật, Trường Đại học Giáo dục, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, do đó có thế mạnh về chuyên môn (liên ngành), tính hợp tác, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các đơn vị, nhờ đó khả năng nhân rộng kết quả thực hiện của Dự án sẽ có nhiều thuận lợi. Về kinh nghiệm giảng dạy và quản lý, các thành viên của nhóm đều đã tham gia giảng dạy, công tác nhiều năm tại các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN, hoặc tham gia hỗ trợ tích cực trong các hoạt động đổi mới giảng dạy tại ĐHQGHN. Nhóm tác giả được chọn làm Đại sứ Đổi mới sáng tạo của ĐHQG Hà Nội trong khuôn khổ Chương trình VIBE – chương trình hợp tác song phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục giữa Việt Nam – Ireland. Chương trình nhằm nâng cao năng lực cho giảng viên và cán bộ quản lý của ĐHQGHN theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (tư duy hướng đến hiệu quả) nhằm thúc đẩy và tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Mục tiêu của chương trình là đào tạo chuyên sâu cho hơn 100 giảng viên và cán bộ quản lý, phát triển các năng lực và phẩm chất thiết yếu để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho hơn 25.000 sinh viên thuộc các ngành đào tạo khác nhau trong ĐHQGHN. Với kinh nghiệm tham gia giảng dạy và quản lý, thế mạnh trong chuyên môn và khả năng kết nối với cộng động giảng viên đổi mới sáng tạo trong ĐHQGHN, nhóm tác giả kỳ vọng sẽ góp phần phát triển năng lực người học thế kỷ 21, đặc biệt là tư duy sáng tạo và khởi nghiệp, thông qua việc xây dựng và triển khai giảng dạy học phần Tư duy thiết kế (Design Thinking) theo tiếp cận dạy học kết hợp tại các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN, triển khai thí điểm tại Khoa Tài chính Ngân hàng – Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN từ học kỳ 2 năm học 2020 – 2021.

Mục tiêu của dự án

Mục tiêu chung

Phát triển năng lực thế kỷ 21 cho sinh viên tại ĐHQGHN, góp phần thúc đẩy các hoạt động đổi mới dạy học tại ĐHQGHN; nâng cao chất lượng đáp ứng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo về năng lực người học theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo đại học của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA); đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mục tiêu cụ thể

  • Xây dựng được một học phần mới (Tư duy thiết kế) trong chương trình đào tạo theo tiếp cận dạy học kết hợp (blended learning) để phát triển năng lực, kỹ năng, phẩm chất người học thế kỷ 21, bao gồm năng lực giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, kiên trì, thích ứng, lãnh đạo, phát triển ý thức xã hội và văn hóa…
  • Triển khai thực hiện giảng dạy học phần Tư duy thiết kế tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN từ học kỳ 2 năm học 2020-2021.
  • Chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn nâng cao năng lực của giảng viên trong đào tạo, phát triển năng lực thế kỷ 21 cho người học tại ĐHQGHN, phát triển cộng động thực hành giảng dạy học phần Tư duy thiết kế tại ĐHQGHN.
  • Hoàn thiện và nhân rộng mô hình trên cho các đơn vị đào tạo thành viên, trực thuộc ĐHQGHN.

THÔNG TIN VỀ VNU TEACHING AWARDS

📷 Thông báo về Giải thưởng VNU Teaching Awards (thể lệ cuộc thi, hạng mục giải thưởng, các biểu mẫu đăng ký tham gia, các mẫu thuyết minh cho từng hạng mục…) truy cập tại: http://cte.vnu.edu.vn/vta2020/

📷 Thông báo điều chỉnh Thời hạn tham gia Giải thưởng và nội dung chi tiết các tọa đàm, tập huấn: http://cte.vnu.edu.vn/thong-bao-gia-han-thoi-gian-gui-ho…/

📷 Form Hỏi – Đáp về Giải thưởng: https://forms.gle/PAJRx1Tn2B2C7zss9

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *