Đánh giá theo tiêu chí – Rubrics: Công cụ đánh giá hữu ích

Đánh giá theo tiêu chí – Rubrics: Công cụ đánh giá hữu ích

Rubrics có lẽ là công cụ tuyệt vời để đánh giá sinh viên vì nhiều lý do khác nhau. Bạn có thể xem xét việc phát triển và sử dụng phiếu tự đánh giá Rubrics nếu:

• Bạn thấy mình viết lại cùng một nhận xét về một số bài tập khác nhau của sinh viên.

• Bạn phải chấm quá nhiều bài tập và việc viết bình luận chiếm rất nhiều thời gian của bạn.

• Sinh viên hỏi đi hỏi lại bạn về các yêu cầu bài tập, ngay cả khi bạn đã chấm điểm và trả bài xong.

• Bạn muốn hướng đến từng phần cụ thể của thang chấm điểm cho sinh viên và giảng viên sử dụng trước và sau khi nộp bài tập.

• Bạn thấy mình băn khoăn không biết mình chấm điểm hay bình luận có công bằng lúc bắt đầu với lúc giữa và cuối phiên chấm điểm hay không.

• Bạn có một nhóm chấm điểm và muốn đảm bảo tính hợp lệ và độ tin cậy giữa các thành viên.

Đánh giá theo tiêu chí – Rubrics là gì?

Rubric là một công cụ đánh giá chỉ rõ các tiêu chí đạt được trên tất cả các nhiệm vụ của sinh viên, từ nhiệm vụ bằng văn bản đến nhiệm vụ bằng miệng và nhiệm vụ trực quan. Nó có thể được sử dụng để chấm điểm đối với bài tập, sự tham gia lớp học hoặc điểm tổng kết. Có hai loại đánh giá theo tiêu chí: tổng thể và chi tiết.

Tổng thể

Đánh giá theo tiêu chí kiểu tổng thể là phân nhóm các tiêu chí đánh giá khác nhau theo chủ đề hoặc cấp độ đạt được.

Về chọn mẫu, xem Phụ lục của bí quyết giảng dạy này. Bí quyết giảng dạy của chúng tôi về “Đánh giá các bài luận” (Responding to Writing Assignments) bao gồm các bảng đánh giá tổng thể được thiết kế đặc biệt cho các bài luận. Xem thêm Facric và Facione (1994) “Holistic Critical Thinking Rubric [PDF]“, hữu ích trong nhiều ngành.

Chi tiết

Đánh giá theo tiêu chí kiểu chi tiết là phân biệt các tiêu chí đánh giá khác nhau và giải quyết chúng một cách toàn diện. Trong bảng tiêu chí đánh giá theo chiều ngang, hàng ngang trên cùng là các giá trị có thể được biểu thị bằng số hoặc chữ cái, hoặc thang đo từ Khác biệt đến Kém (hoặc Chuyên nghiệp đến Nghiệp dư, v.v.). Cột dọc đầu tiên của bảng bao gồm các tiêu chí đánh giá cho từng thành phần. Loại bảng đánh giá chi tiết này có thể cho phép các thành phần khác nhau chiếm trọng số khác nhau.

Xem Teamwork VALUE Rubric [PDF], một trong số nhiều phiếu tự đánh giá được phát triển bởi Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ (the American Association of Colleges and Universities – AAC&U).

Cách tạo Bảng đánh giá theo tiêu chí – Rubrics

1. Quyết định những tiêu chí hoặc yếu tố thiết yếu phải có trong thực hiện nhiệm vụ của sinh viên để đảm bảo rằng nó có chất lượng cao. Ở giai đoạn này, bạn thậm chí có thể xem xét việc chọn một bài tập đạt điểm tốt làm mẫu cho sinh viên khi giao bài tập.

2. Quyết định Bảng đánh giá này gồm bao nhiêu mức và chúng tương ứng như thế nào với thang điểm chung của trường bạn cũng như thang điểm của chính bạn.

3. Đối với từng tiêu chí, thành phần hoặc yếu tố chất lượng thiết yếu, hãy mô tả chi tiết về kết quả đạt được ở mỗi cấp độ là như thế nào.

4. Chừa lại khoảng trống cho các nhận xét bổ sung, điều chỉnh hoặc các hiển thị tổng quát và điểm tổng kết.

Phát triển Bảng đánh giá theo tiêu chí – Rubrics tương tác được với sinh viên của bạn

Bạn có thể tăng cường trải nghiệm học tập của sinh viên bằng cách để sinh viên tham gia vào quá trình phát triển Bảng đánh giá. Dù là một lớp học hoặc trong các nhóm nhỏ, hãy để sinh viên quyết định các tiêu chí để chấm điểm bài tập. Sẽ rất hữu ích khi cung cấp cho sinh viên các bài tập mẫu đạt điểm tốt để họ có thể xác định các tiêu chí dễ dàng hơn. Trong một hoạt động như vậy, giảng viên đóng vai trò như người hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên hướng tới mục tiêu cuối cùng của một Bảng đánh giá theo tiêu chí – Rubrics để sử dụng chấm điểm cho bài tập của họ. Hoạt động này không chỉ mang lại trải nghiệm học tập tuyệt vời hơn mà còn cho phép sinh viên cảm nhận rõ hơn về quyền sở hữu và sự tham gia của họ trong quá trình ra quyết định.

Cách sử dụng Bảng đánh giá theo tiêu chí – Rubrics hiệu quả

Phát triển một bảng đánh giá theo tiêu chí – Rubrics khác nhau cho mỗi nhiệm vụ khác nhau.

Mặc dù điều này tốn thời gian khi bắt đầu, nhưng bạn sẽ thấy rằng các bảng đánh giá có thể được thay đổi một chút hoặc sử dụng lại sau này. Nếu bạn đang tìm kiếm các bảng đánh giá có sẵn từ trước, hãy xem thêm Rhodes (2009) về các bảng đánh giá AAC & U VALUE, được trích dẫn bên dưới, hoặc Facione và Facione (1994). Cho dù bạn tự phát triển các bảng đánh giá hay sử dụng bảng đánh giá hiện có, hãy luyện tập với mọi người trong nhóm chấm điểm của bạn để đạt được độ tin cậy thống nhất giữa các thành viên.

Hãy minh bạch

Cung cấp cho sinh viên một bản sao của bảng đánh giá khi bạn giao bài tập. Các tiêu chí không được gây bất ngờ cho sinh viên. Bảng đánh giá phải được nộp lại kèm với bài tập.

Tích hợp các Bảng đánh giá theo tiêu chí – Rubrics vào các bài tập

Yêu cầu sinh viên nộp kèm bảng tự đánh giá khi nộp bài tập. Một số giáo viên yêu cầu sinh viên tự đánh giá hoặc đánh giá lẫn nhau theo bảng đánh giá trước khi nộp bài tập.

Tận dụng Bảng đánh giá theo tiêu chí – Rubrics để quản lý thời gian của bạn

Khi bạn chấm bài, khoanh tròn hoặc highlight mức độ đạt được cho từng tiêu chí của bảng đánh giá. Đây là chỗ bạn sẽ tiết kiệm được cả một kho thời gian vì không phải viết bình luận.

Kèm theo tất cả nhận xét bổ sung cụ thể hoặc tổng thể rằng không phù hợp với các tiêu chí của bảng đánh giá.

Hãy chuẩn bị điều chỉnh Bảng đánh giá theo tiêu chí – Rubrics của bạn

Quyết định một điểm số cuối cùng cho bài tập dựa trên bảng đánh giá. Nếu bạn cũng nhận thấy, như một số người, bài tập được trình bày đáp ứng các tiêu chí của bảng đánh giá nhưng dường như đã vượt quá hoặc không đáp ứng được chất lượng tổng thể như kỳ vọng, hãy sửa lại bảng đánh giá cho khóa bạn dạy tiếp theo. Nếu bài tập đạt mức điểm cao trong một số phần của bảng đánh giá nhưng các phần khác thì không, hãy quy định trước điểm bài tập được chấm như thế nào. Một số người sử dụng công thức, hoặc bội số để đưa ra các trọng số khác nhau cho các điểm thành phần khác nhau; cần làm rõ về điều này ngay trên bảng đánh giá.

Xem xét việc phát triển phiếu tự đánh giá trực tuyến

Nếu bài tập được nộp qua hòm thư điện tử, bạn có thể phát triển và sử dụng bảng đánh giá trực tuyến. Điểm số từ các bảng đánh giá này được tự động nhập vào sổ điểm trực tuyến trong hệ thống quản lý khóa học.

Tài liệu tham khảo

Facione, P. & Facione, N. (1994). The holistic critical thinking rubric [PDF]. Insight Assessment/California Academic Press.

Rhodes, T. (2009). Assessing outcomes and improving achievement: Tips and tools for using the rubrics. Washington, DC: Association of American Colleges and Universities.

Nguồn

Bí quyết Giảng dạy CTE

Nguồn khác

  • Huba, M. E., & Freed, J.E. (2000). Using rubrics to provide feedback to students. In Learner-centered assessment on college campuses (pp. 151-200). Boston: Allyn & Bacon. 
  • Lewis, R., Berghoff, P., & Pheeney, P. (1999). Focusing students: Three approaches for learning through evaluation. Innovative Higher Education, 23(3), 181-196.
  • Luft, J. A. (1999). Rubrics: Design and use in science teacher education. Journal of Science Teacher Education, 10(2), 107-121.
  • Stevens, D. & Levi, A. (2013). Introduction to rubrics: An assessment tool to save grading time, convey effective feedback, and promote student learning (2nd ed.). Virginia: Sylus. 
  • Stevens, D., & Levi, A. Introduction to rubrics companion site.
  • iRubric: an online rubric design system for using, adapting, creating, and sharing rubrics. 
  • Association of American Colleges & Universities VALUE rubrics

Phụ lục: Chọn mẫu Bảng đánh giá theo tiêu chí – Rubrics tổng thể

A

• Luôn chuẩn bị bài và tham dự gần như toàn bộ các buổi học

• Tham gia xây dựng trong lớp, lãnh đạo kiểu mẫu cho sinh viên khác và trong nhóm

• Trình bày bài chuẩn bị và đúng giờ trong lớp / công việc của lớp

• Thể hiện sự chủ động và cải tiến mà không cần nhắc nhở

• Tìm cách hiểu và thừa nhận những suy nghĩ của người khác

• Thường đạt được đầy đủ tiềm năng bằng cách thử thách bản thân

• Kiến thức lý thuyết mở rộng dễ dàng tích hợp vào các vấn đề mới hoặc bối cảnh mới

• Thử thách những suy nghĩ và ý tưởng của bản thân

B

• Thường chuẩn bị bài và tham dự hầu hết các buổi học

• Tham gia xây dựng trong lớp, làm việc nhóm hiệu quả và là một thành viên nhóm

• Kiến thức lý thuyết xuất sắc

• Hoàn thành tất cả các bài tập trên lớp; thỉnh thoảng làm thêm bài tập nào đó

• Thể hiện sự chủ động và cải tiến theo góp ý

• Tìm cách hiểu và thừa nhận những suy nghĩ của người khác

• Nỗ lực để đạt được đầy đủ tiềm năng khi được nhắc nhở

• Bắt đầu thử thách những suy nghĩ và ý tưởng từ người khác

C

• Thỉnh thoảng chuẩn bị bài và tham dự các buổi học

• Kiến thức lý thuyết trung bình

• Thỉnh thoảng hoặc chỉ thử thách những suy nghĩ khi được người khác khuyến khích

• Bài tập đạt mức trung bình

• Thỉnh thoảng tham gia tích cực trong lớp; làm việc nhóm khá tốt

• Thỉnh thoảng chấp nhận và tham gia vào các thách thức và có phản hồi

D

• Hiếm khi chuẩn bị bài và tham gia lớp học

• Hiếm khi tham gia xây dựng trong lớp

• Nộp bài tập muộn, không hoàn thành hoặc không nộp lại bài nào

• Mức độ kiến thức lý thuyết thấp

• Thiếu chủ động; làm việc nhóm một cách miễn cưỡng

• Thỉnh thoảng thể hiện phẩm chất hạn chế về phản hồi và thách thức

F

• Rõ ràng không chuẩn bị bài và gần như luôn luôn vắng mặt

• Không tham gia hoặc tham gia một cách tiêu cực

• Không bao giờ nộp bài tập

• Không có bài tập để đánh giá kiến thức lý thuyết

• Không thể hiện đủ để đánh giá sự tham gia và tương tác, hoặc làm phá bĩnh người khác

• Phẩm chất hạn chế về mặt phản hồi, thách thức và nội dung khóa học

Giấy phép sở hữu trí tuệ này cho phép người khác phối lại, chỉnh sửa và xây dựng mới dựa trên sản phẩm của chúng tôi với mục đích phi thương mại, miễn là họ có trích dẫn nguồn và cho chúng tôi và cho biết nếu có thay đổi. Sử dụng mẫu trích dẫn như sau: Rubrics: useful assessment tools. Centre for Teaching Excellence, University of Waterloo.

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *