Kết hợp các công cụ trực tuyến để tổ chức giảng dạy hiệu quả môn Tiếng Đức tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN

Kết hợp các công cụ trực tuyến để tổ chức giảng dạy hiệu quả môn Tiếng Đức tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN

Là các giáo viên trẻ giàu nhiệt huyết, đam mê dạy học và thích khám phá, thử nghiệm các công cụ, công nghệ dạy học mới, nhóm giáo viên đến từ Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã chủ động tìm tòi để đổi mới việc giảng dạy môn tiếng Đức, thích ứng với bối cảnh “bất ngờ” chuyển đổi hình thức dạy học trực tuyến. Cụ thể, nhóm giáo viên đã áp dụng khoảng 20 công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến trong việc giảng dạy môn Tiếng Đức (Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2) tại nhà trường. Sản phẩm chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của nhóm giáo viên trẻ đã đạt Giải thưởng Đổi mới giảng dạy tại ĐHQGHN năm 2021.

  1. Tên sản phẩm (SP 04):Kết hợp các công cụ trực tuyến để tổ chức giảng dạy hiệu quả môn Tiếng Đức tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
  2. Tên hạng mục dự thi: Hạng mục 4 – Kết hợp các công cụ trực tuyến để tổ chức giảng dạy hiệu quả (VNU Innovative Educators in Creating an Effective Online Learning Environment)
  3. Nhóm tác giả: các giáo viên giảng dạy môn Tiếng Đức tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
  • Phạm Thị Thanh Tú (nhóm trưởng)
  • Đào Hải Hà
  • Đỗ Cẩm Vân
  • Nguyễn Ngọc Lan
  1. Mô tả hoạt động thực hành giảng dạy:

Căn cứ thực hiện

Kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) giai đoạn 2019 – 2025; Nhiệm vụ trọng tâm số 3 năm 2021 của ĐHQGHN về tiếp tục đổi mới công tác đào tạo theo hướng cá thể hoá; Kế hoạch chuyển đổi số trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN giai đoạn 2020 – 2025; Khung phẩm chất và năng lực học sinh Chuyên Ngoại ngữ.

Bối cảnh thực hiện

Diễn biến phức tạp của đại dịch SARS-CoV-II khiến hoạt động giảng dạy trực tiếp tại trường học bị gián đoạn. Trong bối cảnh đại dịch SARS-CoV-II đã ảnh hưởng tới toàn cầu trong khoảng thời gian gần 2 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, công tác giảng dạy trực tuyến từ lâu đã không còn được xem là giải pháp tình thế, mà thực sự trở thành giải pháp tối ưu nhằm giúp người học tiếp tục việc học tập một cách hiệu quả – đảm bảo “ngừng đến trường nhưng không ngừng học”.

Đối với những nhà giáo dục, việc giảng dạy trực tuyến trở thành hoạt động thiết yếu, nhằm giúp truyền thụ kiến thức và phát triển các phẩm chất và năng lực cần có ở người học. Giảng dạy trực tuyến không phải là khái niệm mới, tuy nhiên lần đầu tiên được triển khai một cách triệt để trên quy mô toàn cầu, do đó đòi hỏi các nhà giáo phải linh hoạt, thích ứng, áp dụng công nghệ, làm chủ công nghệ một cách sáng tạo để tăng tính hiệu quả cho các hoạt động giảng dạy và các hoạt động giáo dục; tuy nhiên vẫn đảm bảo giữ được những nét riêng tiêu biểu, đặc trưng của cá nhân của mỗi nhà giáo, chứng minh rằng tri thức, chất xám của mỗi nhà giáo là một, là riêng, là duy nhất và không một công nghệ nào dù tân tiến đến đâu có thể thay thế được.

Nội dung thực hiện

Nhóm giáo viên Tiếng Đức trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã áp dụng khoảng 20 công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến trong việc giảng dạy môn Tiếng Đức (ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2) tại nhà trường. Các công cụ đã được sử dụng linh hoạt, hiệu quả và hết sức đa dạng trong nhiều hoạt động: Khởi động – Trò chơi – Đố vui – Động não – Làm việc theo cặp/ nhóm – Thảo luận – Chia sẻ ý kiến – Luyện tập – Tra cứu thông tin – Kiểm tra đánh giá. Các công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến được phát triển, nâng cấp và được phổ biến ngày càng rộng rãi trên toàn cầu, tuy nhiên mỗi công cụ đều có các ưu – nhược điểm riêng.[1] Việc sử dụng nhiều công cụ trực tuyến đa dạng nhằm mục đích bổ sung, kết hợp, tương trợ lẫn nhau giúp nhóm giáo viên tiếng Đức trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thực hiện các hoạt động giảng dạy trực tuyến một cách tối ưu nhất, khiến cho người học cảm thấy khoảng cách địa lý khi học trực tuyến không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả truyền thụ và tri nhận, thậm chí còn tạo điều kiện phát triển những năng lực, phẩm chất cần có trong thời đại mới, ví dụ: tra cứu, sử dụng công nghệ, quản lý thời gian, lập trình, làm việc độc lập, làm việc hợp tác, trách nhiệm, kỉ luật …

Các hoạt động được thiết kế một cách sáng tạo, khả thi, phù hợp với bối cảnh dạy và học, cơ sở hạ tầng của đơn vị trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nói riêng và của ĐHQGHN nói chung, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh, phát huy vai trò trung tâm của người học, thúc đẩy học tập cá thể hóa, trong đó nhà giáo là người đóng vai trò hướng dẫn, điều phối và truyền cảm hứng.

Trong quá trình giảng dạy trực tuyến, nhóm giáo viên tiếng Đức trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã thường xuyên cập nhật, tư vấn trong nhóm, tổ chuyên môn ở phạm vi trong và ngoài đơn vị, tích cực học hỏi các nội dung mới, và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân cho cán bộ giáo viên khác để hiệu quả trong công tác giáo dục trực tuyến được nâng cao và nhân rộng.

Kết quả thực hiện

Cuối tháng 10/2021, nhóm giáo viên Tiếng Đức trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã tiến hành khảo sát 276 học sinh tiếng Đức (lớp 10 – 12) và thu được những kết quả phản hồi rất tích cực, tạo động lực cho các giáo viên tiếp tục phát huy năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Cụ thể:

  • 98,2% học sinh mong muốn giáo viên sử dụng kết hợp các công cụ trực tuyến trong giảng dạy.
  • 90,2% học sinh đánh giá tiết học hiệu quả/ rất hiệu quả khi kết hợp các công cụ trực tuyến.
  • Ưu điểm của các công cụ trực tuyến:
    • Hình thành không khí học tập vui vẻ, thân thiện (85,5%)
    • Nhanh chóng trả – nhận kết quả bài tập/ kiểm tra (81,2%)
    • Nâng cao tương tác với giáo viên và bạn học (69,2%)
    • Truyền tải nội dung bài học dễ dàng, sinh động (68,1%)
    • Tạo điều kiện thực hành các kỹ năng như lớp học trực tiếp (47,8%)
  • Top 5 công cụ trực tuyến được yêu thích nhất:
  • Quizzi (52,5%)
  • Kahoot (44,2%)
  • Google Office (34,8%)
  • Blooket (33,3%)
  • Wordwall (29,3%)

Như vậy, kết quả khảo sát chứng minh nhóm giáo viên Tiếng Đức trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã hết sức cố gắng phát huy việc sử dụng các công cụ trực truyến phù hợp với mục tiêu và nội dung của mỗi bài học và học phần, giúp học sinh có nhiều cơ hội tương tác với giáo viên và tương tác với nhau thông qua các công cụ trực tuyến trong quá trình học tập (L – Lesson-based); Các công cụ trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được tham gia vào nhiều hoạt động học tập khác nhau trong lớp học, các phương pháp và kỹ thuật dạy học được giảng viên sử dụng đa dạng, linh hoạt, có thể thúc đẩy và khuyến khích sự tích cực tham gia các hoạt động học tập của người học, giáo viên thiết kế được các hoạt động tương tác và phản hồi với người học thông qua các kênh thảo luận, tổ chức khảo sát người học, xây dựng được môi trường học tập trực tuyến tích cực và tạo sự hứng khởi cho học sinh (M – Motivating); Số lượng các công cụ trực tuyến nhiều và đa dạng nhưng được áp dụng chọn lọc, đảm bảo độ tin cậy, phổ biến, thân thiện và phù hợp (S – Selective).

Đối với năm học 2020-2021 vừa qua và năm học 2021-2022 hiện tại, do diễn biến của dịch bệnh SARS-CoV-II khiến trường THPT Chuyên Ngoại ngữ bắt buộc phải thực hiện giảng dạy trực tiếp – trực tuyến luân phiên theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn học trực tuyến có tổng thời lượng thậm chí còn nhiều hơn học trực tiếp. Mặc dù vậy, chuẩn đầu ra của các học phần và chương trình đào tạo môn tiếng Đức vẫn được bảo đảm. Các số liệu minh chứng cho thấy:

  • Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021: điểm trung bình môn tiếng Đức toàn trường là 8,54; điểm trung bình khối D5 (Toán-Văn-Tiếng Đức) là 24,79
  • Đối với kỳ thi quốc tế DSD do Hội đồng Bộ trường Văn hóa Liên bang Đức cấp bằng: 77% đạt B1 (kỳ thi DSD1), 45% đạt B2 và 33% đạt C1 (kỳ thi DSD2)
  • Đối với du học tại CHLB Đức: từ tháng 4 – tháng 10/2021 có 69 học sinh chuyên tiếng Đức trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trúng tuyển vào các trường Dự bị Đại học Đức.

Các con số “biết nói” cho thấy công tác đào tạo đối với bộ môn Tiếng Đức tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ có những tiến bộ vượt bậc khi đào tạo kết hợp trực tiếp – trực tuyến trong bối cảnh “bình thường mới”.

  1. Các ưu điểm và tác động tích cực của thực hành giảng dạy

Các khía cạnh đổi mới so với thực hành tương ứng theo phương thức truyền thống:

So với phương thức giảng dạy trực tiếp truyền thống, các hoạt động trong giờ học như khởi động, trò chơi, đố vui v.v. theo phương thức trực tuyến giúp giáo viên giảm bớt được một số công đoạn chuẩn bị như in ấn (đen trắng/ màu), cắt dán, chuẩn bị học liệu, dụng cụ (giấy màu, bảng con, giấy, bìa màu…). Những học liệu, dụng cụ này để chuẩn bị thường tốn kém và mất thời gian nhưng không thể tái sử dụng quá nhiều lần. Ngược lại, việc sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến (ví dụ: Kahoot, Quizzi, Classpoint…) để thiết kế các hoạt động trên sẽ giảm được thời gian và kinh phí chuẩn bị; có thể bổ sung hình ảnh, âm nhạc, video vào dễ dàng khiến cho các hoạt động thêm sinh động, hấp dẫn, đánh thức các giác quan của người học; có thể lưu trữ và biên tập dễ dàng để tái sử dụng. Các loại hình bài tập và trò chơi thường sử dụng trong lớp học (đúng/ sai, câu hỏi đa lựa chọn, sắp xếp, ô chữ, xếp hình, hangman, memory…) được hỗ trợ trên nhiều nền tảng khác nhau (Bookwidgets, Blooket, Nearpod…). Các công cụ hỗ trợ trực tuyến có thể sử dụng độc lập (ví dụ: Wordwall, Mentimeter…) hoặc tích hợp vào phần mềm Powerpoint có sẵn trong máy tính (ví dụ: Classpoint, Slido). Do đó, giáo viên có thể chọn các công cụ phù hợp với cá nhân giáo viên, đối tượng người học, bài học và hoạt động tương ứng.

Đối với các hoạt động thảo luận, làm việc theo cặp/ nhóm, thăm dò ý kiến…, ngay cả khi giảng dạy trực tiếp cũng rất khó khăn để động viên, thúc đẩy tất cả người học chia sẻ, phát biểu ý kiến của mình. Khi đó, việc sử dụng các tính năng như trò chuyện, trả lời ngắn, tương tác… (chat, short answers, reaction…), cho phép người học được ẩn danh hoặc chính danh khi chia sẻ quan điểm bằng hình thức viết, nhận xét (thích/ không thích/ đánh giá bằng số sao…) sẽ giúp những người học có tính cách hướng nội, ngại chia sẻ trước đám đông cũng vẫn có thể tương tác hiệu quả.

Một điều hết sức rõ ràng là các bài tập cần tra cứu thông tin sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều trong giờ học trực tuyến. Giáo viên hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược, giao việc tra cứu thông tin là bài tập về nhà và tận dụng thời gian tại lớp học trực tuyến để hướng dẫn, điều phối và đánh giá, đưa ra phản hồi cho người học.

Công tác kiểm tra đánh giá đặc biệt được quan tâm trong việc giảng dạy trực tuyến và kết hợp trực tuyến – trực tiếp. Dựa vào các công cụ trực tuyến (Google Office, Liveworksheets, Padlet…), giáo viên có thể thiết kế các hình thức kiểm tra đa dạng (trắc nghiệm, tự luận, định lượng, định tính), có thể tiết kiệm thời gian chấm bài và đưa ra phản hồi nhanh chóng cho người học với một số dạng thức kiểm tra, đồng thời thúc đẩy giáo viên sáng tạo những bài tập và câu hỏi mở, đòi hỏi người học có khả năng phân tích, tư duy logic, sáng tạo và phản biện; không dừng ở kiểm tra mức độ nhận biết của người học, mà kiểm tra mức độ thông hiểu và vận dụng (thấp/ cao). Một số nền tảng (Google Office, Azota) cũng cho phép giáo viên kiểm soát được việc người học truy cập các trang web khác để hạn chế việc gian lận.

Sự phù hợp với tiếp cận giáo dục kết hợp (blended learning) và giáo dục đáp ứng chuẩn đầu ra (outcome-based education):

Như đã trình bày tại mục 4 (phần Căn cứ thực hiện, Bối cảnh thực hiện và Kết quả thực hiện), giáo dục kết hợp (blended learning) không còn được xem là giải pháp mang tính chất đối phó do tình hình dịch bệnh. Với tính ưu việt khi sử dụng các công cụ hỗ trợ trực tuyến, với việc thành thạo các nền tảng công nghệ hiện tại, chắc chắn trong tương lai các nhà giáo sẽ không quay lại 100% các phương pháp giảng dạy truyền thống, mà sẽ tiếp tục khai thác các công cụ trực tuyến một cách hiệu quả, kết hợp với các hoạt động giảng dạy trực tiếp để tối ưu chất lượng đào tạo.

Theo mục tiêu đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo với những yêu cầu cụ thể về kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học cần đạt, việc kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có chọn lọc các công cụ trực tuyến để nâng cao hiệu quả giảng dạy là giải pháp cần thiết, hạn chế các nhược điểm của giảng dạy trực tuyến, nâng cao hiệu quả tri nhận và phát triển các kỹ năng, thái độ của người học. Việc sử dụng kết hợp các công cụ giảng dạy trong thời đại mới là để rà soát, điều chỉnh, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và thể hiện cam kết trách nhiệm của giáo viên nói riêng và đơn vị nói chung đối với ngành giáo dục, Nhà nước và xã hội trong công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, không để gián đoạn việc học tập của người học trong mọi hoàn cảnh. Các số liệu đã trình bày tại mục 4 (phần Kết quả thực hiện) chứng minh chất lượng đầu ra (dựa trên thành tích tại kỳ thi cấp quốc gia như kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi cấp quốc tế như kỳ thi Văn bằng tiếng Đức DSD) không bị ảnh hưởng nếu việc đào tạo kết hợp trực tiếp – trực tuyến được thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

– Tính hiệu quả:

Lấy kim chỉ nam của công tác giáo dục là lấy người học làm trung tâm, kết quả khảo sát 276 học sinh tiếng Đức tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cho thấy: có 271 học sinh (tương đương 98,2%) mong muốn giáo viên sử dụng kết hợp các công cụ trực tuyến trong giảng dạy; Chỉ có 5 học sinh sinh (tương đương 1,8%) không có mong muốn này, với giải thích là do chất lượng internet và thiết bị cá nhân không đáp ứng hoặc vẫn ưa thích việc học trực tiếp hơn. 90,2% học sinh đánh giá tiết học hiệu quả/ rất hiệu quả khi kết hợp các công cụ trực tuyến.

Như vậy có thể khẳng định rằng, việc kết hợp các công cụ trực tuyến để nâng cao hiệu quả giảng dạy là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, các yếu tố khách quan như cơ sở hạ tầng – kỹ thuật chưa đồng bộ vẫn tạo ra những thách thức lớn không chỉ đối với giáo viên mà cả học sinh. Đồng thời việc giảng dạy trực tuyến hay trực tiếp không phải là giải pháp thay thế lẫn nhau mà cần dựa vào nhau cùng tồn tại và phát triển bền vững.

– Những tác động tích cực tới việc tổ chức giảng dạy học phần:

Với những phản hồi tích cực từ phía người học và với những kết quả đạt được chứng minh việc đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, nhóm giáo viên Tiếng Đức trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐHNN – ĐHQGHN kỳ vọng sẽ được tiếp tục tạo điều kiện phát huy các kết quả giành được, được tư vấn, tập huấn để phát triển và nhân rộng mô hình kết hợp các công cụ trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy kết hợp, thích nghi linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, đảm bảo và không ngừng nâng cao chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, tăng cường vị thế trong đơn vị nói riêng và trong ngành đào tạo cả nước và trong khu vực Châu Á nói chung.

 

Để hiểu rõ hơn về cách thức nhóm giáo viên đã lựa chọn, kết hợp các công cụ trực tuyến để tổ chức giảng dạy môn Tiếng Đức tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, mời quý thầy cô theo dõi Báo cáo tham luận trình bày tại sự kiện Ngày hội Đổi mới giảng dạy ĐHQGHN 2021 (VNU Teaching Festival 2021) diễn ra ngày 19/01/2022:  

Cô Phạm Thị Thanh Tú – Đào Hải Hà – Đỗ Cẩm Vân – Nguyễn Ngọc Lan tại Lễ trao giải Giải thưởng Đổi mới giảng dạy ĐHQGHN năm 2021 do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy tổ chức

 

PHỤ LỤC GIỚI THIỆU CÁC CÔNG CỤ HỖ TRỢ GIẢNG DẠY TRỰC TUYẾN

STT Tên      công cụ Giới thiệu chung Ưu điểm Nhược điểm
1 Azota Azota là một ứng dụng phần mềm về giáo dục nhằm giúp cho giáo viên, nhà trường tạo đề và chấm thi. Ngoài ra, ứng dụng này còn cho phép học sinh nộp bài tập online nhanh chóng. – Tương thích với nhiều thiết bị

– Không cần đăng ký tài khoản

– Thao tác đơn giản

– Tiết kiệm thời gian

– Theo dõi được quá trình học tập

 

Ứng dụng bắt buộc phải kết nối internet. Trong quá trình làm bài, nếu gặp rủi ro đường truyền yếu thì người dùng sẽ bị thoát ra ngoài và ứng dụng Azota không có chế độ tự động lưu lại bài.
2 Baamboozle

 

Baamboozle.com là một trang web cho phép người dùng thiết kế các trò chơi học tập, tổ chức các trò chơi và tham gia các trò chơi đã được tạo sẵn trên trang web đó. – Giáo viên có thể tự thiết kế các trò chơi hoặc tải các trò chơi có sẵn trên trang web để tổ chức cho học sinh chơi trực tiếp trong giờ học.

– Giao diện đẹp, bắt mắt.

– Trò chơi đa dạng, lý thú, có thể chơi theo đội.

– Nguồn tài nguyên còn hạn chế do còn ít người sử dụng cho bộ môn tiếng Đức.

– Một số thao tác cần phải trả phí mới có thể sử dụng.

3 Blooket Nền tảng trò chơi đố vui trên web, thích hợp để tạo ra các trò chơi cho lớp học. Điều làm nên sự khác biệt là các câu đố trong Blooket có thể được thay đổi thành nhiều kiểu chơi độc đáo, biến các câu đố thành trải nghiệm thú vị để học sinh có thể giải trí. – Các câu đố được lồng vào bối cảnh của các trò chơi khác nhau. Mỗi trò chơi có chủ đề và quy tắc riêng.

– Các trò chơi trong Blooket có thể được chơi một mình hoặc theo nhóm, hoặc có thể được giao làm bài tập về nhà, tùy thuộc vào chế độ chơi mà giáo viên lựa chọn.

– Giáo viên cần tìm hiểu đặc trưng của từng chế độ chơi để thiết kế hoạt động phù hợp.

– Chỉ hỗ trợ dạng câu hỏi trắc nghiệm.

– Bộ câu hỏi có sẵn còn hạn chế.

4 Bookwidgets Sách điện tử tương tác, nền tảng giúp chuyển đổi các bài kiểm tra trên giấy thành các câu hỏi hoặc trang tính tương tác hoạt động trên iPad, Chromebook hoặc bất kỳ thiết bị nào khác. Thêm vào đó, người dùng có thể tạo các trò chơi học tập (câu đố, ô chữ, bingo, trò chơi trí nhớ, v.v.) – Tiết kiệm thời gian chấm điểm.

– Thêm tính tương tác vào bài học.

– Tạo động lực cho học sinh.

– Sử dụng công nghệ trong lớp học.

– Loại hình bài tập và trò chơi đa dạng.

Tài khoản miễn phí được sử dụng rất hạn chế (hết hạn sau 30 ngày)
5 Class Dojo Nền tảng giao tiếp giáo dục giữa nhà trường và học sinh cũng như gia đình học sinh. Qua nền tảng này, các bên có thể theo dõi và tham gia các hoạt động của nhau. Đây là một lớp học online nhỏ nhằm mục đích thúc đẩy quá trình học tập của học sinh cũng như tăng sự liên kết giữa phụ huynh và nhà trường. – Tạo group cho học sinh và thúc đẩy các hoạt động, dự án.

– Đưa phản hồi cho học sinh nhằm thúc đẩy động lực của các em.

– Giao tiếp với phụ huynh qua các bài đăng trong lớp cũng như gửi tin nhắn riêng.

– Giao diện sinh động, thân thiện.

 

Tính năng bài tập của ClassDojo thiên về chia sẻ hơn là kiểm tra và chấm bài.
6 Classpoint Công cụ được tích hợp vào PowerPoint, nhằm tạo ra các câu hỏi trực tiếp và có tính tương tác mạnh mẽ ngay trên slide bải giảng của giáo viên. – Việc sử dụng Class-point giúp giáo viên xây dựng sự tương tác trực tiếp với học sinh nhằm cải thiện chất lượng dạy và học.

– Có nhiều tính năng thường sử dụng trong các hoạt động dạy học (câu hỏi đa lựa chọn, wordcloud, tải ảnh, vẽ tranh…).

– Người học có thể tham gia bằng link hoặc mã QR. Kết quả câu trả lời của người được lưu lại dễ dàng.

– Việc cài ứng dụng khiến cho máy tính bị chậm.

– Để áp dụng với lớp học trên 25 học sinh phải dùng bản Pro có trả phí.

7 Coggle Mindmap – Coggle là công cụ trực tuyến để tạo và chia sẻ ý tưởng sơ đồ tư duy theo biểu đồ dạng nhánh.

– Tạo sơ đồ tư duy với các nút và các nhánh màu sắc.

– Có thể xem sản phẩm của mình ở mọi nơi, chỉ cần một chiếc máy tính có internet.

– Thêm hình ảnh từ máy tính, không giới hạn hình ảnh.

– Tương tác với các thành viên trong nhóm.

– Tải được về máy tính với các định dạng như PDF, PND, TEXT hoặc .mm files (tập tin mindmap).

Làm việc xoay quanh một chủ đề trung tâm, khả năng tùy biến thấp.
8 Flipgrid

 

 

Nền tảng thảo luận bằng video cho phép người học thảo luận và trả lời các chủ đề với các video được ghi hình trong lớp học hoặc tại thời điểm khác. – Có thể giới hạn thời lượng video, đưa tiêu chí nhận xét, chấm điểm.

– Có thể tạo, chia sẻ video, trả lời video của người khác.

– Có thể thêm hiệu ứng tạo ấn tượng cá nhân cho video.

– Thiết bị đòi hỏi bắt buộc phải có camera.

– Giao diện so với năm 2020 được cập nhật, khiến các nút điều khiển bị ẩn, khó tìm hơn.

9 Google Office Công cụ xử lý văn bản online cho phép người dùng soạn thảo, chỉnh sửa văn bản, cũng như trình chiếu văn bản một cách dễ dàng trên internet. – Công cụ miễn phí.

– Cho phép người dùng tạo tài liệu online và chia sẻ cho nhiều người. Những người dùng này có quyền được xem, nhận xét và chỉnh sửa tài liệu trong cùng một lúc, thích hợp cho làm việc nhóm.

– Người dùng cần có máy tính để sử dụng công cụ một cách tối ưu.

– Người dùng có thể xóa nhầm tài liệu của nhau.

10 iZi Ứng dụng trên nền tảng web, dùng để thiết kế câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến và người học sẽ tham gia làm quiz bằng một mã code. Do người Việt phát triển, có hướng dẫn tiếng Việt nên thân thiện và dễ sử dụng

 

Nguồn tài nguyên còn hạn chế.
11 Kahoot Ứng dụng trên nền tảng web, dùng để thiết kế bài giảng, những câu hỏi trắc nghiệm/ tự luận trực tuyến và cho phép nhiều người tham gia trả lời câu hỏi trong cùng một thời điểm. Trong quá trình tham gia chơi, Kahoot sẽ thông báo kết quả trực tuyến để tăng độ hấp dẫn cho phần thi trắc nghiệm. – Người dùng thường phải sử dụng hai thiết bị để tham gia chơi được hiệu quả nhất.

– Phụ thuộc đường truyền kết nối.

12 Livework-sheets Công cụ cho phép giáo viên tạo các bài kiểm tra và bài tập tương tác cho học sinh. – Bài tập tương tác đa dạng như trắc nghiệm, kéo và thả hoặc nối các mũi tên, có thể bao gồm cả âm thanh hoặc video.

– Chấm điểm tự động nếu giáo viên nhập sẵn đáp án.

– Không thể cài đặt số điểm khác nhau cho từng câu hỏi.

– Không có chế độ xem tổng hợp các câu trả lời của học sinh.

– Thao tác tương đối phức tạp.

13 Mentimeter Ứng dụng tương tác online cho phép người dùng phản hồi, bỏ phiếu, đóng góp ý kiến hay trả lời câu hỏi. – Có thể thu thập câu trả lời bằng các dạng khác nhau.

– Giao diện sống động, đơn giản và dễ hiểu. Thao tác thiết kế hoạt động đơn giản.

– Tài khoản miễn phí bị giới hạn số câu hỏi, số slides trong các hoạt động.
14 Nearpod Nền tảng giúp tạo slide bài giảng cùng các hoạt động cho phép người tham gia tương tác trong giờ học. Các hoạt động nổi bật có thể kể đến như collaborate board, fill in the blanks, quiz, matching pairs,… Ngoài ra còn có hoạt động draw cho phép người tham gia tương tác với bài giảng bằng cách vẽ trực tiếp lên bài giảng bằng thiết bị của mình. Kết hợp tạo slide và các hoạt động trên cùng 1 nền tảng nên không cần chuyển qua lại giữa các nền tảng khác nhau dễ gây xao nhãng cho người tham gia. Trang web rất nặng nên các thao tác có thể sẽ bị chậm và một số học sinh sẽ không thể tham gia nếu kết nối internet không đủ mạnh.
15 Padlet “Tấm bảng” ảo có độ lớn vô hạn cho phép người dùng bày tỏ suy nghĩ về một chủ đề nào đó một cách dễ dàng. – Giúp giáo viên thu thập ý kiến từ học sinh.

– Giao diện đẹp mắt, dễ sử dụng.

– Có thể tham gia qua đường link mà không cần tải ứng dụng.

Bị giới hạn số lượng padlet có thể tạo được với tài khoản miễn phí.
16 Slido Slido là một nền tảng hỏi đáp và thăm dò ý kiến ​​giúp tăng cường giao tiếp và tăng tính tương tác trong các cuộc họp. Người thuyết trình có thể thu thập các câu hỏi, chạy các cuộc thăm dò và khảo sát trực tiếp để có thông tin chi tiết từ khán giả. Trọng tâm của Slido là sự đơn giản, cho phép các nhà tổ chức tạo ra một sự kiện trong vòng chưa đầy một phút, trong khi những người tham gia có thể tham gia từ bất kỳ thiết bị nào chỉ bằng một mã đơn giản. Slido chỉ cung cấp loại câu hỏi giới hạn và thiếu tùy biến.

 

17 Quizzi Nền tảng giúp người dùng tạo quiz online và học sinh sẽ tham gia làm quiz bằng một mã code. Trong quá trình làm bài, người chơi có thể sử dụng các tính năng power-ups giúp bài quiz bớt nhàm chán hơn. – Tất cả người tham dự đều tương tác trên thiết bị cá nhân nên không khí chung của lớp sẽ trở nên thiếu tương tác.

– Giáo viên sẽ không còn là người kiểm soát từng câu hỏi.

18 Quizlet Quizlet là công cụ miễn phí để học các từ vựng và khái niệm, thuật ngữ qua các thẻ từ (flashcard) và những trò chơi thú vị, giúp người học dễ nhớ, nhớ lâu hơn. – Người học tự tạo bộ flashcard cho riêng mình tùy theo nhu cầu học.

– Có thể chia sẻ bộ flashcard của mình cho người khác.

– Có thể tìm cho mình những flashcard phù hợp trong kho dữ liệu khổng lồ chứa hàng trăm ngôn ngữ của Quizlet do những người dùng khác tự tạo và chia sẻ.

– Miễn phí.

– Chưa phù hợp để tổ chức trò chơi trong lớp học có số lượng học sinh đông vì các trò chơi còn đơn giản và thiếu tính tương tác giữa những người học.

– Một số tính năng cần trả phí.

19 Wordwall Nền tảng cho phép tạo các bộ câu hỏi và những câu hỏi đó có thể được tổ chức dưới các hình thức game khác nhau, rất hấp dẫn đối với người tham gia. Một số hoạt động hay sử dụng là match up, group sort, quiz,
Ngoài ra Wordwall cũng cho phép người dùng sử dụng dùng những bộ câu hỏi có sẵn mà những người dùng khác đã tạo.
– Hoạt động phong phú.

– Có rất nhiều bộ câu hỏi có sẵn để tham khảo.

– Tài khoản miễn phí bị giới hạn chỉ tạo được tối đa 5 hoạt động tự thiết kế.

– Người tham gia sẽ chỉ tương tác trên thiết bị của mình nên không khí chung của lớp học sẽ thiếu sự tương tác.

– Giao diện còn khá đơn điệu.

[1] xem Phụ lục giới thiệu các công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến

 

INFEQA-CTE Media

Bình luận

Leave a Reply

Leave a Reply