
Khai mạc chương trình tập huấn về phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng CNTT trong giảng dạy cho giảng viên NAUE
Chiều ngày 25/11/2022, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An phối hợp với Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức khai mạc chương trình tập huấn về phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng CNTT trong giảng dạy cho giảng viên NAUE.
Tham dự chương trình, về phía Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội có: TS. Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Trần Thị Hoài, Phó viện trưởng; Các giảng viên tham gia quản lý, tư vấn, hỗ trợ tập huấn từ Trung tâm hỗ trợ giảng dạy. Về phía Trường Đại học Kinh tế Nghệ An có: TS. Nguyễn Đình Tường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Hiệu trưởng; TS. Trương Quang Ngân – Phó Hiệu trưởng; Trưởng/Phó các phòng/khoa và toàn thể giảng viên Nhà trường tham dự trực tuyến qua phòng học Zoom.
Cán bộ, giảng viên NAUE tham dự lớp tập huấn
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Hiệu trưởng nhấn mạnh: Trong thời đại hiện nay, những thành tựu của khoa học – công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến các ngành, nghề. Đối với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin cũng góp phần không nhỏ vào việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy, tạo hiệu quả, hứng thú cho học sinh. Nhận thức rõ điều đó, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã tổ chức lớp tập huấn trình tập huấn về phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng CNTT trong giảng dạy cho giảng viên. Đây là chương trình được thiết kế nhằm góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho giảng viên và giáo viên tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Hiệu trưởng cũng đề nghị các cán bộ, giảng viên nhà trường nghiêm túc, cầu thị học hỏi từ các chuyên gia của Viện đảm bảo chất lượng giáo dục để có được những kết quả thiết thực sau chương trình tập huấn. TS. Nguyễn Ngọc Hiếu thay mặt nhà Trường cảm ơn Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận lời hỗ trợ, tập huấn cho cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Hiệu trưởng phát biểu khai mạc
Chương trình có sự hướng dẫn, cố vấn của các chuyên gia, giảng viên có chuyên môn cao, có kinh nghiệm về phương pháp và công nghệ giáo dục. TS. Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Lê Thái Hưng – Chủ nhiệm khoa Quản trị chất lượng, Trường Đại học Giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội; Các giảng viên tham gia quản lý, tư vấn, hỗ trợ tập huấn. Chương trình được tổ chức theo hình thức đào tạo trực tuyến hoàn toàn qua zoom. Nội dung tập huấn gồm 7 mô-đun tương ứng 7 chủ đề cốt lõi liên quan phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng CNTT trong giảng dạy.
TS. Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu về nội dung chương trình lớp tập huấn
Trong đó, Mô đun M1 có trọng tâm cung cấp các chiến lược và phương pháp giảng dạy trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, các mô-đun M2, M3, M4, M5, M6, M7 hướng tới các hoạt động thực hành, ứng dụng công nghệ để thực hiện các hoạt động dạy học trực tuyến hoặc dạy học kết hợp (Blended learning) cụ thể. Phương pháp tập huấn hướng vào thực hành, thực nghiệm, kết hợp các hình thức tự học, tự nghiên cứu. Nguyên tắc triển khai linh hoạt, áp dụng tiếp cận học tập kết hợp, đảm bảo nguyên tắc cá thể hóa người học, phát huy tính chủ động của người học khi tham gia các khóa tập huấn. Học viên hoàn thành Chương trình được cấp chứng nhận.
Chương trình tập huấn sẽ giúp giảng viên thiết kế và tổ chức giảng dạy hiệu quả theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp, hiểu được vai trò của hoạt động tìm hiểu người học, vai trò và đặc điểm của hoạt động khảo sát trong dạy học, phát triển kỹ năng sử dụng các công cụ phục vụ dạy học trực tuyến, bao gồm: Các lý thuyết về mô hình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra (Outcome-based Education) để đổi mới nội dung học phần và tổ chức giảng dạy; Khảo sát, đánh giá người học bằng các công cụ trực tuyến (Google Forms, MS Forms, …); Xây dựng bài giảng điện tử (bằng các công cụ MS PowwerPoint, Loom, Canva, Ispring, Camtasia…); Sử dụng phần mềm video conferencing trong giảng dạy trực tuyến (VNU LMS, Zoom, MS Teams …); các nguyên tắc cơ bản để tổ chức các hoạt động dạy học tương tác trực tiếp và trực tuyến hỗ trợ tương tác trong giảng dạy thông qua các ứng dụng như Kahoot, Mentimeter, Flipgrid, …; các kiến thức và kỹ năng cơ bản về thiết kế các hoạt động kiểm tra – đánh giá nhằm hỗ trợ phát triển năng lực người học, cũng như đo lường được chuẩn đầu ra; Sử dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến VNU LMS; Quản lý lớp học trực tuyến qua hệ thống VNU LMS; Sử dụng hệ thống MOOCs – các khóa học trực tuyến mở (edX, Coursera, Canvas, …); Khai thác học liệu trực tuyến phục vụ dạy và học (từ các nguồn: VNU-LIC Bookworm, Google Scholar,…).
Nguồn: Ban Truyền thông Trường Đại học Kinh tế Nghệ An