Sau đại dịch Covid-19: Phương thức dạy trực tuyến nào sẽ còn tồn tại?

Những phương thức dạy trực tuyến hiện nay có thực chất là của giáo dục trực tuyến (online education)?, Đâu là cách tiếp cận phù hợp cho đào tạo trực tuyến?, Phương thức dạy trực tuyến nào có thể duy trì tiếp sau đại dịch?

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Phóng viênTừ đại dịch Covid-19 thì phương thức học trực tuyến lên ngôi, theo ôngcần hiểu như thế nào cho đúng về dạy học trực tuyến?

TS Nghiêm Xuân Huy: Đầu tiên, cần phải làm rõ 2 trạng thái của dạy học trực tuyến:

Thứ nhất, thực hiện việc dạy học trực tuyến theo thời gian thực (thông qua các hệ thống hội thảo video trực tuyến  –  online video conferencing, tiêu biểu như phân hệ Meeting của Microsoft Teams, Google Meet, Zoom hay phát trên truyền hình, tạm gọi tắt là ROT (Real time Online Teaching),

Thứ hai, tổ chức lớp học, triển khai các hoạt động dạy và học trên các kênh online (thông qua các hệ quản trị học tập (Learning Management System), tiêu biểu như Moodle, Blackboard, Microsoft Teams, hoặc các hệ thống đào tạo trực tuyến đại chúng mở  – MOOCs  –  như edX hoặc Coursera, tạm gọi tắt là ODC (Online Delivery Courses).

Tức là không được đánh đồng giữa giảng dạy trực tiếp qua các kênh video conferencing (ROT) với việc tổ chức các khoá học bằng hình thức trực tuyến (ODC).

Một bên là kênh/phương tiện để thực hiện giảng bài (ROT); một bên là cách thức tổ chức dạy và học (ODC). ODC rộng hơn ROT. Theo đó, ROT có thể được dùng như một trong những phương thức truyền tải nội dung dạy học trên ODC.

Về lâu dài, theo tôi, ODC sẽ là phương thức chủ đạo của giảng dạy trực tuyến, song hành cùng phương thức dạy -  học truyền thống, hình thành phương thức blended learning, bổ trợ cực kỳ hữu ích cho giảng dạy truyền thống và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Phóng viên: Tại sao ông cho ODC sẽ vượt qua ROT là phương thức chủ đạo của giảng dạy trực tuyến, song hành cùng phương thức dạy –  học truyền thống?

TS Nghiêm Xuân Huy: Thực sự, nếu không có đại dịch Covid-19, ROT sẽ khó có thể “lên ngôi” như hiện nay, bởi nó dĩ nhiên không thể thay thế được hoàn toàn cho giảng dạy trực tiếp truyền thống (face-to-face).

Với người học, tham gia ROT đối với 1, 2 môn học/học phần thì còn có thể cảm thấy thoả mái, thích thú. Nhưng nếu số môn học/học phần là 5–7 môn/học kỳ thì việc ngày nào cũng đều đặn đúng giờ đó, buổi đó ngồi trước máy tính nghe giảng thực sự là không ổn lắm.

Đặc biệt, học sinh không được bày tỏ sự đồng điệu với thầy khi khám phá được điều mới mẻ, không được giao lưu thoả mái với bạn bè, rất khó để có thể nêu ý kiến trao đổi, hỏi đáp, thảo luận khi cần trợ giúp như ở trên lớp.

Ngoài ra, ROT cũng đòi hỏi người học phải sắp xếp việc riêng, hy sinh thời gian cá nhân để có được một khung giờ học mà cả lớp có thể cùng tham gia được.

Với người dạy, có lẽ cái mệt lớn nhất là không được nhìn thấy … ánh mắt của học trò. Đằng này khi mình nói, không biết học trò đang làm gì, có nghe mình nói không, có hiểu điều mình dạy không? Rồi chuyện kiểm tra, đánh giá người học nữa … Đó là chưa kể đến chuyện những sự cố về bảo mật, về quấy rối có thể xuất hiện khi dùng ROT.

Còn đối với ODC có thể tổ chức giảng dạy trọn vẹn một môn học/học phần (100% nội dung môn học/học phần được giảng dạy theo phương thức trực tuyến); Dùng ODC như một hợp phần của lớp học truyền thống (một tỷ lệ nội dung nhất định được truyền tải hoàn toàn theo phương thức trực tuyến); dùng ODC để bổ trợ, củng cố cho nội dung được giảng dạy tại lớp học truyền thống.

Như vậy, có thể linh hoạt sử dụng ODC vừa như một hợp phần, vừa song hành bổ trợ cho giảng dạy truyền thống.

Đây là mô hình kết hợp giữa ODC và giảng dạy truyền thống, mà theo cách gọi hiện nay là blended learning. Tức là kết hợp song hành giữa giảng dạy trực tuyến và giảng dạy truyền thống.

Giáo viên sẽ xây dựng các bài giảng bằng video (tự giảng rồi ghi hình, chèn vào các nội dung minh hoạ, mô phỏng, mở rộng …) sau đó upload/chia sẻ các video bài giảng, các video mô phỏng, các nội dung giảng dạy tương tác, học liệu lên hệ thống LMS hoặc MOOCs.

Trên cơ sở đó, người học sẽ tự nghiên cứu và học trước các nội dung thầy cô đưa lên lớp học online. Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đã áp dụng website môn học/học phần vào giảng dạy, tuy nhiên đa phần mới dừng lại ở chỗ là nơi đăng tải học liệu, chia sẻ bài giảng dạng slides, tương tác dưới dạng diễn đàn…

Với các buổi học dạng ROT, có thể tổ chức các hình thức như: mời chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn nói chuyện chuyên đề (liên quan đến nội dung giảng); giảng dạy một số nội dung lý thuyết; trao đổi, hỏi đáp nhanh ngoài giờ giữa giáo viên và người học; thực hiện các seminar theo nhóm người học …

Với các buổi lên lớp trực tiếp tại giảng đường, thực địa: chủ yếu thực hiện hoạt động thảo luận, làm rõ các nội dung hoặc mở rộng bài học, ứng dụng các nội dung đã học vào các hoạt động, vấn đề thực tiễn… để kiểm tra, đánh giá người học.

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục

Phóng viên: Vậy người dạy, người học, nhà trường sẽ được gì từ việc áp dụng mô hình ODC?

Lý thuyết về lợi ích của blended learning thì đã có nhiều chuyên gia bàn đến qua các nghiên cứu khoa học chuyên sâu, tuy nhiên, có thể hình dung khái quát thế này:

Với giáo viên, bài giảng được chau chuốt, đầu tư kỹ càng, giảng một lần (được ghi hình) nhưng có thể phổ biến ở nhiều lớp học khác nhau, cho nhiều khoá học khác nhau; có nhiều thời gian để tương tác, thảo luận và hỗ trợ người học; duy trì được mạch cảm xúc trong giảng dạy; lan toả cảm hứng tới người học.

Với người học, có thể chủ động học mọi lúc, mọi nơi miễn là phù hợp với bối cảnh sống, làm việc của mình; có thể học đi học lại một nội dung nếu thấy cần; được tương tác, trao đổi với nhau và với giáo viên nhiều hơn; duy trì được thói quen học tập thường xuyên …

Với nhà trường, phát triển được hệ thống học liệu số đa dạng, phong phú (từ nguồn bài giảng video của giáo viên); tận dụng được đội ngũ giáo viên chất lượng cao (nhân rộng bài giảng chất lượng tốt); quản lý hiệu quả việc dạy và học; kiểm soát tốt nội dung giảng dạy; thực hiện được các yêu cầu về kiểm tra đánh giá; giảm tải sức ép về giảng đường, cơ sở vật chất; tiết kiệm chi phí điện nước, phục vụ (do giảm thời gian lên lớp trực tiếp) …

Để triển khai hình thức này, các cơ sở cần xây dựng cơ chế công nhận, hỗ trợ và chính sách khuyến khích giáo viên triển khai ODC; Xây dựng quy trình triển khai ODC đồng bộ, thống nhất;

Chuẩn bị hạ tầng hỗ trợ giáo viên xây dựng và sản xuất bài giảng video và vận hành hệ thống LMS, MOOCs hiệu quả. Đầu tư cho học liệu, thư viện số phù hợp với từng môn học/học phần.

Đào tạo, tập huấn giáo viên, người học sử dụng các hệ thống phần mềm, phần cứng, sản xuất bài giảng video, vận hành LMS, MOOCs, phục vụ xây dựng và tổ chức giảng dạy trực tuyến

Theo tôi, công nghệ có thể giải phóng sức lao động của người giáo viên, nhưng không thay thế được người thầy ở khía cạnh xúc cảm, tạo động lực, hình thành năng lực, tính cách cho người học.

Phóng viên: Nếu vậy, ông đánh giá thế nào về tình hình triển khai đào tạo trực tuyến sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc?

Nếu cần dự đoán và khuyến cáo thì theo tôi ROT sẽ không nên và không thể là phương thức giảng dạy chủ đạo khi trạng thái xã hội trở lại bình thường.

Nên nhớ căn nguyên ban đầu của online video conferencing là để phục vụ cho các hoạt động hội nghị, hội thảo (conference) từ xa, khi các đại biểu không có điều kiện di chuyển giữa các khu vực địa lý tại thời điểm diễn ra sự kiện đó, tức là chủ yếu khắc phục vấn đề xa cách về mặt không gian.

ROT rõ ràng đã phát huy tác dụng trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, nhất là khi nhiều trường học và giáo viên chưa sẵn sàng cho ODC.

Sau đại dịch (tức “thời bình”), ODC nên được tính đến như một giải pháp song hành cùng giảng dạy truyền thống theo mô hình Blended learning, một xu thế đang khá thịnh hành trên thế giới.

Điều này thuận lợi để triển khai, vì cả người học và người dạy đã có nhiều trải nghiệm, hiểu biết, và kỹ năng về dạy  –  học online trong thời gian ứng phó với dịch bệnh. Các nhà quản lý giáo dục sẽ tính toán tỷ lệ giảng dạy online/offline phù hợp cho mỗi loại môn học/học phần, mỗi chương trình đào tạo.

 Trân trọng cám ơn ông!

Nguồn:

Dân trí: https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sau-dai-dich-covid-19-phuong-thuc-day-truc-tuyen-nao-se-con-ton-tai-20200420075821009.htm?fbclid=IwAR1UmOw0SztysZdIywlv1epCO3WIdN5a6PL7OSH-pFx574vrhi7ij4GSgkA

Việt Nam News: https://vietnamnews.vn/society/715627/online-teaching-will-supplement-traditional-classes-after-pandemic-expert.html

 

– Nguồn Dân trí

 

 

 

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *