Thiết kế học phần: Lập kế hoạch cho một “lớp học đảo ngược”
Trong một lớp học đảo ngược, sinh viên sẽ tiếp xúc với các bài giảng hoặc các tài liệu khác bên ngoài lớp học để chuẩn bị cho các hoạt động học tập tích cực trong lớp học.
Đây không phải là một ý tưởng mới, nhưng cách sử dụng hiện tại của thuật ngữ “flipped” thường liên quan đến việc các sinh viên làm việc với các tài liệu trực tuyến, sau đó là tham gia các hoạt động trên lớp với các sinh viên khác hoặc làm việc theo nhóm nhỏ. Các hoạt động thường được tổ chức trong lớp học đảo ngược là thảo luận, tranh luận, câu hỏi clicker (clicker questions), hỏi đáp (Q and A), minh họa, mô phỏng, dạy kèm bạn (peer tutoring), phản hồi và đóng vai. Trong một học kỳ, giảng viên có thể chọn tổ chức một vài hoặc tất cả các lớp học theo mô hình đảo ngược. Khi thiết kế các lớp học này, cần phải xác định trước các mục tiêu của lớp trước khi lên kế hoạch cho các hoạt động. Tham khảo “Các gợi ý cho hoạt động giảng dạy” của CTE, bài “Cách viết chuẩn đầu ra”.
Tại sao phải “đảo ngược”?
- Trong một bài giảng, hầu hết sinh viên có xu hướng bắt đầu giảm sự tập trung chú ý sau mười hoặc mười lăm phút, do đó, việc “đảo ngược” lớp học có thể giúp sinh viên tập trung học trong suốt buổi học.
- Đảo ngược lớp học có nghĩa là sinh viên có thời gian để xử lý và suy nghĩ về các khái niệm và tăng cường nền tảng kiến thức trước khi đến lớp và áp dụng kiến thức đó vào việc học tập của mình.
- Giảng viên có thể nắm bắt những khó khăn của sinh viên đối với tài liệu sử dụng trong học phần, các câu hỏi của sinh viên về các khái niệm hoặc việc hiểu sai các khái niệm (có thể thông qua một thảo luận hoặc đánh giá trực tuyến) trước khi họ đến lớp. Dựa trên các phản hồi của sinh viên này, giảng viên có thể điều chỉnh các nội dung, hoạt động sẽ được thực hiện trên lớp. Điều này thường được gọi là “dạy học kịp thời” (“just-in-time teaching”-JITT).
- Sinh có thể kiểm soát thời gian, tốc độ và địa điểm học tập với các tài liệu học tập trực tuyến. Nhiều sinh viên cảm thấy hữu ích khi họ có cơ hội xem lại các phần của một bài thuyết trình trực tuyến khi gặp khó khăn với một khái niệm cụ thể hoặc khi ôn thi cuối kỳ. Việc tua lại và nghe lại bài giảng giúp giúp sinh viên ghi chép tốt hơn những nội dung khó hoặc quan trọng, hoặc giúp họ vượt qua những rào cản về ngôn ngữ.
- Mặc dù cần đầu tư nhiều thời gian để chuẩn bị các tài liệu trực tuyến, bao gồm nội dung video, giảng viên có thể sử dụng lại các tài liệu này từ năm này sang năm khác.
- Áp dụng mô hình đảo ngược cho một vài lớp học sẽ giúp cho hình thức tổ chức lớp học đa dạng hơn, thay đổi tốc độ cho các lớp và làm cho môn học trở nên thú vị hơn cho cả sinh viên và giảng viên.
- Việc sinh viên tham gia học tập tích cực và học từ bạn học (peer learning) đã được chứng tỏ là dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn và lưu giữ các khái niệm tốt hơn so với cách thức truyền đạt thông tin bài giảng truyền thống trên lớp.
Mô hình lớp học đảo ngược
Thông thường khi giảng viên lên kế hoạch tổ chức một lớp học theo mô hình lớp học đảo ngược, họ sẽ tập trung vào việc lên kế hoạch cho các hoạt động mà sinh viên sẽ làm trong lớp và làm trực tuyến để chuẩn bị cho hoạt động học tích cực trên lớp. Tuy nhiên, có hai khía cạnh khác mà giảng viên cần lập kế hoạch khi chuẩn bị cho một lớp học đảo ngược: các hoạt động sẽ được giới thiệu cho sinh viên như thế nào và làm thế nào để giảng viên và sinh viên biết được họ đã chuẩn bị đầy đủ trước khi lên lớp.
Giới thiệu nhiệm vụ
Mục tiêu của giai đoạn này là để tối đa hóa sự tham gia của sinh viên cho các hoạt động mà họ sẽ tham gia trực tuyến và trên lớp. Giảng viên nên giới thiệu các nhiệm vụ bằng cách giải thích rõ ràng những gì sinh viên cần thực hiện và lượng thời gian sinh viên cần đầu tư để chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động của lớp học. Giải thích những gì sinh viên cần làm và tại sao việc chuẩn bị cho các hoạt động trong lớp là rất quan trọng. Đối với những sinh viên mới được trải nghiệm học tập tích cực, việc chuẩn bị trước có thể làm giảm sự lo lắng.
Nhiệm vụ ngoài lớp học
Cần cẩn thận lựa chọn phương tiện cho các hoạt động và tài liệu học tập trực tuyến. Giảng viên có thể tự thiết kế tài liệu như sử dụng PowerPoint, screencasts (một dịch vụ lưu trữ và chia sẻ trực tuyến) và podcast hoặc sử dụng lại các nội dung trực tuyến như trang web, bài đọc và video. Nội dung video phải ngắn gọn – không quá 10 – 15 phút – và có thể hữu ích cho sinh viên nếu có câu hỏi hướng dẫn giúp họ nhận ra các mục tiêu chính của công việc chuẩn bị. Nếu giảng viên cung cấp một phương tiện trực tuyến để sinh viên gửi câu hỏi về các khái niệm khó hoặc các câu hỏi khác thì sau đó họ có thể sử dụng thời gian trên lớp để thảo luận về các vấn đề này. Để tìm hiểu thêm ví dụ về các hoạt động có thể triển khai, tham khảo “Các gợi ý cho hoạt động giảng dạy của CTE”, bài “Các hoạt động trực tuyến và hoạt động đánh giá cho lớp học đảo ngược”.
Đánh giá việc học
Trước buổi học trên lớp, rất có lợi khi cả giảng viên và sinh viên biết được liệu sinh viên có chuẩn bị đầy đủ cho các hoạt động trên lớp hay không. Các câu hỏi tự đánh giá hoặc các câu trắc nghiệm trực tuyến có thể là một cách tốt để đánh giá hoạt động chuẩn bị của sinh viên. Lý tưởng nhất là những đánh giá này ngắn (3 đến 4 câu hỏi), và bao gồm các câu hỏi cung cấp cơ hội cho sinh viên áp dụng những gì họ đã học thay vì những câu hỏi chỉ kiểm tra kiến thức thực tế. Phản hồi về các câu hỏi đánh giá và cơ hội cho sinh viên đặt câu hỏi cho giảng viên cũng có thể được đưa vào. Có thể đánh giá hoạt động chuẩn bị của sinh viên thông qua một bài tập hoặc bài kiểm tra đánh giá ngắn trong phần mở đầu của hoạt động trên lớp. Học tập và đánh giá có liên kết với nhau. Đánh giá quá trình (low stakes / formative assessment) là một công cụ có giá trị cho sinh viên.
Hoạt động trên lớp
Các hoạt động hiệu quả nhất để thúc đẩy học tập sâu (deep learning) là những hoạt động tạo cho sinh viên cơ hội học tập lẫn nhau (peer-to-peer learning), thúc đẩy đối thoại giữa giảng viên sinh viên, đem tới cơ hội học tập tích cực. Các mục tiêu của một hoạt động nên được liên kết rõ ràng với các mục tiêu và phương pháp đánh giá của học phần; thời gian cho các hoạt động trên lớp có thể được sử dụng để khuyến khích sinh viên sáng tạo, khám phá (và kể cả mắc lỗi) trong một môi trường thoải mái, ít rủi ro. Để tìm hiểu thêm ví dụ về các hoạt động này, hãy tham khảo “Các gợi ý cho hoạt động giảng dạy của CTE”, bài “Các hoạt động học tập tích cực” và “Các hoạt động trong lớp học và phương pháp đánh giá cho lớp học đảo ngược”.
Động lực
Động lực của sinh viên – nền tảng của toàn bộ quá trình học tập, có thể bị ảnh hưởng bởi việc thiết kế các hoạt động học tập. Một giảng viên nhiệt tình, tạo lập được mối quan hệ tốt với sinh viên và tạo ra được bầu không khí cởi mở và tích cực trong lớp có thể thúc đẩy sự tham gia học tập của sinh viên. Các hoạt động học tập mang tính thử thách và khả thi có thể tạo động lực học tập cho sinh viên. Ngoài ra, sinh viên sẽ có động lực hơn nếu họ tìm thấy ý nghĩa và giá trị cá nhân trong các tài liệu học tập và thấy rằng học phần sẽ đóng góp cho khả năng thành công trong tương lai của họ. Cũng có thể gia tăng động lực học tập thông qua việc cung cấp phản hồi thường xuyên cho sinh viên sau khi họ đã hoàn thành việc học.
Những thách thức của lớp học đảo ngược là gì?
Việc thử nghiệm một cách tiếp cận mới cho một lớp hoặc nhiều lớp trong một học kỳ sẽ mang tới những thách thức nhất định. Những thách thức dưới đây là có thực nhưng không phải không vượt qua được:
- Tăng khối lượng công việc cho giảng viên. Giảng viên cần dành nhiều thời gian và nỗ lực để suy nghĩ và chuẩn bị cả các hoạt động trước giờ lên lớp và trong lớp; tuy nhiên, các hoạt động này thường có thể được sử dụng lại mà không cần quá nhiều nỗ lực cho những lần sau.
- Giảng viên có thể cần giảm nội dung học phần. Với nhiều hoạt động thúc đẩy sự tham gia và đối thoại của sinh viên hơn, các giảng viên sẽ cảm thấy khó có thể bao quát được nhiều tài liệu như trước đây, vì vậy việc xem xét lại chuẩn đầu ra của học phần là cần thiết. Các khái niệm đã được học có khả năng lưu giữ lâu hơn và được áp dụng hiệu quả hơn với hoạt động học tập tích cực.
- Không phải tất cả các chiến lược học tập tích cực đều khả thi trong các lớp học quy mô lớn. Các hoạt động học tập để tổ chức cho lớp học lớn thường ít hơn so với các hoạt động trong một lớp nhỏ, nhưng vẫn có nhiều cách để thu hút sinh viên áp dụng các khái niệm và học hỏi lẫn nhau. Các bài giảng ngắn, các chiến lược giảng dạy hợp tác như think-pair-share và / hoặc sử dụng clickers có thể có hiệu quả ngay cả trong các lớp học lớn (Tham khảo thêm bài “Các hoạt động cho các lớp học lớn”.)
- Sinh có thể chống đối lại sự thay đổi từ cách tiếp cận bài giảng. Đối với nhiều sinh viên, việc tham gia bị động trong một bài giảng thì dễ dàng và ít đáng sợ hơn là tích cực, chủ động tham gia. Tuy nhiên, sinh viên thường thừa nhận rằng những trải nghiệm học tập tích cực, sâu sắc hơn thì có giá trị hơn và họ thích các hoạt động học tập có ý nghĩa trong lớp học. (Tham khảo “Các câu hỏi trong ngày đầu tiên của lớp học lấy người học làm trung tâm” của Gary Smith để tìm hiểu về chiến lược giới thiệu cho sinh viên về học tập tích cực.)
- Hãy chuẩn bị cho tình huống một số sinh viên không chuẩn bị bài trước. Hy vọng rằng các giảng viên đã thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo rằng các sinh viên chuẩn bị bài cho lớp học, nhưng nếu sinh viên đến lớp mà không chuẩn bị thì hãy cứ tiếp tục, đừng giảng lại bài. Một khi sinh viên thấy rằng bạn rất nghiêm túc về việc hỗ trợ học tập tích cực trong lớp học, lần sau họ có thể sẽ chuẩn bị tốt hơn.
- Công nghệ. Ai đã từng sử dụng một công nghệ mới mà không gặp phải một số vấn đề kỹ thuật? Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho điều này và liên hệ với các chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật của CTE để được trợ giúp.
Resources
- Myths and Facts about Flipped Learning
- Flipping a Class: an online resource from the Faculty Innovation Centre, University of Texas at Austin
- Flipped classroom strategies from Turn to Your Neighbour: The Official Peer Instruction Blog
- Flipped Classroom Experience in Engineering: a video presentation by Dr. Maud Gorbet from Systems Design Engineering at the University of Waterloo
- Faculty Focus: Looking for “Flippable” Moments in Your Class, Understanding the Flipped Classroom
- 7 Things You Should Know About Flipped Classrooms: Educause Learning Initiative white paper
- The Flipped Classroom: A Brief, Brief History, by Bates, J. E., Almekdash, H., & Gilchrest-Dunnam, M. J. (2016).
- Theo: Course design: planning a flipped class. Centre for Teaching Excellence, University of Waterloo