Tích hợp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên thông qua các hoạt động dạy – học
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Chương trình đào tạo Chất lượng cao bậc cử nhân của khoa Sư phạm tiếng Anh được xây dựng dựa trên lý thuyết học tập là Thuyết Kiến tạo Xã hội của Vygotsky, theo đó sự phát triển của người học cần được đặt trong bối cảnh xã hội, và tri thức được kiến tạo thông qua tương tác, ở đây là tương tác đa chiều, giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau, giữa người học và bối cảnh xã hội cũng như ngữ liệu học tập.
Chương trình được xây dựng, và liên tục được cập nhật với những triết lý giáo dục hiện đại. Thứ nhất là khung lý thuyết học tập thế kỷ 21 (Giáo dục Israel), trong đó việc dạy-học nhằm phát triển các năng lực như Giao tiếp, Sáng tạo, Hợp tác, Suy xét phản biện, Giải quyết vấn đề; và môi trường học tập cần phải lấy người học làm trung tâm, lôi cuốn người học vào các hoạt động học tập, liên ngành và gắn với bối cảnh xã hội. Thứ hai là khung năng lực toàn cầu cho kỷ nguyên 4.0 (Viện Công nghệ châu Á), trong đó người học cần phát triển 5 năng lực chính: Có những góc nhìn mang tầm quốc tế, Sử dụng công nghệ thành thạo, Có tâm thức cách tân, Phù hợp với công nghiệp 4.0 và năng lực liên ngành.
Một cơ sở quan trọng nữa của việc thiết kế các hoạt động học tập trong chương trình, là yêu cầu của các nhà tuyển dụng và các thách thức của kỷ nguyên 4.0. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp cần là người có kỹ năng mềm/chuyển giao, có những năng lực toàn cầu, có khả năng học nhanh và tự học suốt đời.
TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng trình bày về mô hình đào tạo chất lượng cao của Khoa Sư phạm Tiếng Anh
TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC THIẾT KẾ CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP
Chương trình Chất lượng cao được xây dựng dựa vào những cơ sở nêu trên đây, nhằm tạo ra một môi trường dạy-học năng động và cách tân. Quyền tự chủ trong xây dựng chương trình, lựa chọn hoạt động, lựa chọn phương pháp, linh hoạt trong kiểm tra đánh giá… đều gắn liền với trách nhiệm trong việc đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng, và đạt chuẩn đầu ra của từng môn học.
Một số nguyên tắc chính:
- Phát huy tính tự chủ của người học, và lấy người học làm trung tâm
- Người dạy và người học được trao quyền
- Kỹ năng mềm/chuyển giao và các phẩm chất được phát triển tích hợp thông qua các môn học và xuyên suốt chương trình
- Đảm bảo độ khó tăng dần qua các kỳ học
- Phát triển năng lực liên ngành thông qua các bài tập dự án theo chủ điểm, thể loại
Ngoài việc đảm bảo tạo ra môi trường học tập cho phép tư duy sáng tạo, linh hoạt, đồng thời thúc đẩy năng lực tự chủ tự chịu trách nhiệm của người học, gắn học tập với các tình huống văn hoá xã hội phù hợp, người dạy còn có vai trò đồng hành, tư vấn và hỗ trợ kịp thời, quan trọng nhất là phản hồi để người học phát triển, và cho phép người học tranh luận, phản biện, đàm phán, phản đối; định hướng và tạo điều kiện cho người học phát triển các kỹ năng mềm/chuyển giao và các kỹ năng cảm xúc.
Các mô hình học tập như Khám phá, Học qua trải nghiệm, Học qua dự án… đều được phát huy trong chương trình Chất lượng cao.
Tích hợp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên thông qua các hoạt động dạy – học – TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng.