
Tổ chức giảng dạy học phần môn tiếng Trung Quốc CLC 1.1 trên hệ thống quản lí học tập trực tuyến
Nhóm tác giả là những giảng viên có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy thực hành tiếng Trung Quốc của Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Trung Quốc, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGH. Đây là những giảng viên luôn đi đầu trong việc cập nhật các phần mềm, các ứng dụng mới hỗ trợ cho việc giảng dạy ngoại ngữ, đặc biệt là giảng dạy tiếng Trung Quốc. Nhóm đã xây dựng nội dung 40 video giảng dạy 15 bài phục vụ cho môn học “Tiếng Trung CLC1.1, với nội dung rõ ràng, dễ hiểu, phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với yêu cầu và chuẩn đầu ra của môn học; đồng thời tổ chức giảng dạy học phần trên hệ thống quản lí học tập trực tuyến LCMS. Quá trình thực hiện số hoá bài giảng có sự hỗ trợ tích cực từ Trung tâm Công nghệ thông tin, Truyền thông & Học liệu, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
- Tên sản phẩm (SP 07): Tổ chức giảng dạy học phần môn tiếng Trung Quốc CLC 1.1 trên hệ thống quản lí học tập trực tuyến
- Hạng mục dự thi: Hạng mục 1: “Tổ chức giảng dạy học phần xuất sắc trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến”; Hạng mục 2: “Xây dựng video bài giảng xuất sắc nhất”; Hạng mục 5: “Tổ chức nguồn học liệu xuất sắc trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến”
- Nhóm tác giả: Đỗ Thu Lan, Nguyễn Quang Hưng, Đinh Thu Hoài, Dương Thùy Dương, Phạm Thị Minh Tường, Bùi Nguyễn Bảo Ly, Bùi Thị Hằng Nga, Nguyễn Thu Hằng, Phạm Văn Minh, Hoàng Thị Thu Trang (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN); Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Công nghệ thông tin, Truyền thông & Học liệu, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN)
Mô tả hoạt động thực hành giảng dạy:
Căn cứ thực hiện: Yêu cầu của Ban giám hiệu trường Đại học Ngoại ngữ về đổi mới giảng dạy ngoại ngữ 2 cho sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ.
Bối cảnh thực hiện:
Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với Internet kết nối vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và những sáng chế mới trong nhiều lĩnh vực đang tạo ra sự chuyển mình rất lớn trong giáo dục. Dạy học trực tuyến (online), dạy học lai ghép (Hybrid), dạy học phối hợp (blended) trực tuyến với trực tiếp (trực diện) là giải pháp được nhiều quốc gia và các tổ chức giáo dục lựa chọn trong thời kỳ COVID-19. Trong đó, dạy học kết hợp (blended) là phương pháp giảng dạy khá hiệu quả mà giáo viên và học sinh, sinh viên cần áp dụng một cách có định hướng để truyền tải kiến thức đến học sinh, sinh viên một cách linh hoạt, giúp cho người học theo được mạch bài giảng đạt được mục tiêu của bài học và môn học… Dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp đã, đang và sẽ trở thành xu hướng được tăng cường, củng cố và dần trở thành một xu thế tất yếu, nhiệm vụ chính trong các nhiệm vụ triển khai năm học để thích ứng với tình hình mới.
Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN cũng nằm trong guồng chuyển động lớn của xu hướng giáo dục đại học hiện đại, mong muốn nắm bắt cơ hội để thay đổi. Môn tiếng Trung Quốc CLC1.1 phục vụ cho đối tượng chính là sinh viên học ngoại ngữ 2 cũng được đề xuất trở thành một trong những môn học cần được đổi mới để thu hút người học, giảm thời gian lên lớp nhưng vẫn mang lại hiệu quả giảng dạy tốt hơn so với phương pháp truyền thống. Môn học này được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa học trên lớp với giảng viên và tự học trực tuyến trên website. Mỗi giảng viên và sinh viên sẽ được trường cấp 1 ID để truy cập vào website môn học.
Giáo dục không thể đứng im trong sự chuyển mình của thời đại số, thời kì của nhiều phát kiến về công cụ thay thế sức lao động cho con người. Trong nghề dạy học, Thầy cô cũng được trang bị dần bằng các công cụ online, dạy trực tuyến và nhiều kĩ thuật được công nghệ hóa. Sự xuất hiện của robot và chương trình cài đặt tự động cũng ảnh hưởng lớn đến phương pháp giảng dạy truyền thống, đặt ra nhiều bài toán hướng đi cho giáo dục: thế mạnh nào từ giáo viên mà robot hay bất kì chương trình lập trình dạy học nào không thể thay thế. Chính vì vậy mà website giảng dạy môn tiếng Trung CLC1.1 đã ra đời trên cơ sở kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại, lồng ghép nhiều nội dung phong phú liên quan đến ngôn ngữ – văn hoá Trung Quốc, tạo hứng thú cho người xem, đem lại hiệu quả tốt trong học tập và giảng dạy ngoại ngữ tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội.
Nội dung thực hiện:
Website giảng dạy môn tiếng Trung CLC1.1 cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về:
– Các kiến thức cơ sở về ngữ âm tiếng Hán hiện đại như: cách đọc và phát âm các thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu, các qui tắc viết phiên âm của chữ Hán, quy tắc đọc các hiện tượng biến điệu…
– Những từ vựng được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày về một số chủ đề giao tiếp đơn giản, quen thuộc như: nói về bản thân, gia đình, cuộc sống học tập, trường học…
– Các mô hình câu đơn giản (câu vị ngữ danh từ, câu vị ngữ động từ, câu vị ngữ hình dung từ, câu có hai tân ngữ, câu lựa chọn, câu hỏi sử dụng các đại từ nghi vấn…);
– Cách sử dụng một số trợ từ, giới từ và phó từ.
– Các kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết ở dạng làm quen ban đầu.
Bên cạnh đó, nội dung video được lồng ghép rất nhiều nội dung phong phú về ngôn ngữ văn hoá Trung Quốc liên quan đến nội dung bài học.
- Các ưu điểm và tác động tích cực của thực hành giảng dạy
1) Sau khóa học, sinh viên có thể đạt được chuẩn đầu ra của môn học:
1.1 Về kiến thức ngôn ngữ
Ngữ âm:
– Nắm được các kiến thức cơ sở về ngữ âm tiếng Hán hiện đại như: cách đọc và phát âm các thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu, các qui tắc viết phiên âm của chữ Hán, quy tắc đọc các hiện tượng biến điệu.
– Phát âm chuẩn các thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu trong tiếng Hán, nhất là những thanh điệu khó đối với người Việt như thanh một, thanh bốn và thanh nhẹ.
– Phát âm chính xác các từ ngữ đã học.
– Đọc đúng trọng âm của các từ trong câu, đọc đúng ngữ điệu của câu.
Văn tự:
– Nắm được kiến thức cơ bản về chữ Hán như tên các bộ thủ, tên các nét cơ bản, qui tắc viết chữ Hán.
– Viết đúng qui tắc và mô phỏng viết chân phương theo các chữ Hán đã biết và chưa biết.
Từ vựng:
– Hiểu nghĩa và xác định đúng từ loại, viết đúng hình chữ, biết dùng từ ngữ đặt câu, sử dụng chính xác và linh hoạt khoảng 600 từ trong những tình huống giao tiếp đơn giản đã học.
– Biết phân biệt cách dùng của các từ cơ bản trong cùng một trường nghĩa, bao gồm từ đồng nghĩa và trái nghĩa.
– Nhận biết và suy đoán được cách sử dụng nghĩa phái sinh của một số từ ngữ cơ bản đã học.
Ngữ pháp:
Hiểu và sử dụng đúng (đúng cách thức, đúng tình huống, ngữ cảnh v.v) những hiện tượng ngữ pháp cơ bản sau (các loại câu, các phó từ, các giới từ, các trợ từ, các thành phần câu: chủ ngữ, vị ngữ, định ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, các lượng từ trong tiếng hán, các loại bổ ngữ, các động từ năng nguyện…)
1.2 Về các kỹ năng ngôn ngữ
Kỹ năng nghe:
– Nghe đúng và ghi lại được các thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu trong tiếng Hán.
– Nghe đúng và hiểu được các từ đơn lẻ đã được học.
– Nghe đúng và hiểu được một câu đơn giản.
– Nghe và hiểu được một đoạn hội thoại đơn giản khoảng 6 – 10 câu.
Kỹ năng nói:
– Phát âm chuẩn các thanh mẫu, vận mẫu, thanh điệu.
– Thể hiện chính xác ngữ điệu của một số loại câu đơn giản đã học trong chương trình.
– Biết kết hợp từ để nói những câu đơn giản.
– Thực hiện được các bài tập luyện khẩu ngữ cơ bản như bài tập hoàn thành hội thoại, bài tập trả lời câu hỏi, bài tập hội thoại theo nhóm, bài tập kể chuyện theo chủ đề.
– Vận dụng được các kiến thức đã học để thực hiện các hội thoại thông thường trong cuộc sống như: Chào hỏi, giới thiệu; Thông tin cá nhân (tên, số điện thoại, quốc tịch, nghề nghiệp, thói quen…); Gia đình; Trường, lớp, ngành học; Cuộc sống hằng ngày: học tập, sinh hoạt, sở thích…; Trường, khoa, ngành học, việc học tập …; Đời sống hàng ngày: ăn, mặc, ở, đi lại, mua sắm …; Kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập; Tham quan du lịch…
Kỹ năng đọc: Đọc hiểu các bài đọc và hoàn thành tốt các bài tập liên quan đến bài đọc về các chủ đề thông thường như đã nêu trong phần Kỹ năng nói.
Kỹ năng viết:
– Viết đúng các chữ Hán đã học.
– Viết đúng các câu đơn giản.
– Vận dụng được các từ và kết cấu ngữ pháp đã học để viết các đoạn văn ngắn (khoảng 80 – 100 chữ) hoặc các đoạn hội thoại với các chủ đề như đã nêu trong phần Kỹ năng nói.
Các nhóm kỹ năng khác
Kết thúc môn học, sinh viên có thể:
– Có khái niệm và bắt đầu làm quen với làm việc theo nhóm;
– Biết cách tìm kiếm và khai thác thông tin trên mạng internet để phục vụ cho môn học;
– Hình thành một số phương pháp học tiếng Trung có hiệu quả.
1.3 Về thái độ
– Nhận thức được tầm quan trọng của môn học;
– Yêu thích tiếng Trung;
– Tích cực, chủ động sử dụng tiếng Trung trong các tình huống thường nhật;
– Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm học tập tiếng Trung cho người khác.
– Xây dựng và phát huy tối đa tinh thần tự học thông qua website môn học và các video hướng dẫn.
– Thực hiện nghiêm túc thời gian biểu, làm việc và nộp bài đúng hạn;
– Tham gia tích cực và có tinh thần xây dựng vào các hoạt động trên lớp.
2) Tính ưu việt:
- Đối với người học
- Tiết kiệm thời gian học tập;
- Chủ động không gian, thời gian học tập;
- Phát huy tính chủ động, tính kế hoạch cho người học.
- Đối với người dạy
- Kiểm soát tốt quá trình học tập của người học;
- Có thể tham khảo để đánh giá kết quả học tập của người học.
- Đối với người dạy và người học
- Tài liệu học tập tập trung, phong phú, đa dạng, thường xuyên được cập nhật;
- Chương trình thống nhất, chất lượng, phù hợp với yêu cầu của CĐR;
- Dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
- Các tài liệu minh chứng về việc triển khai thực hành xuất sắc
6.1. Link truy cập website: http://lcms.ulis.vnu.edu.vn/
Ảnh giao diện lớp học tại trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến
6.2. Linh video của 40 bài giảng:
6.2. Sản phẩm của sinh viên sau khi hoàn thành ½ khóa học (bài tập giữa kì)
https://drive.google.com/drive/folders/1FpJYjdAZ_IGs9CWDm8_76BRUpSRPwkqf?usp=sharing
6.3. Phản hồi của người học:
Giảng viên đã lấy ý kiến phản hồi của 106 sinh viên về chất lượng các học liệu trên website môn học và thu được kết quả như sau (mức đánh giá cao nhất: 5, mức đánh giá thấp nhất: 1)
6.4. Nhận xét của giảng viên:
Nhóm giảng viên đã lấy ý kiến nhận xét của 11 giảng viên về chất lượng các học liệu trên website môn học và thu được kết quả như sau (mức đánh giá cao nhất: 5, mức đánh giá thấp nhất: 1)
INFEQA-CTE Media