Tọa đàm: “KHAI THÁC HỌC LIỆU HIỆU QUẢ PHỤC VỤ ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC”

Ngày 19/4/2022, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN tổ chức tọa đàm “Khai thác học liệu hiệu quả phục vụ đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học”. Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của 120 cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, học viên sau đại học và sinh viên tại trong và ngoài ĐHGQHN.

Khách mời của chương trình là chuyên gia, nhà quản lý nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên giáo dục mở: KS. Lê Trung Nghĩa, Thành viên Ban chấp hành Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVU&C), một trong các sáng lập viên của Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn Mở Việt Nam (VFOSSA) (Thông tin về khách mời xem tại: https://bit.ly/3xt8vuQ); ThS. Lê Bá Lâm, thạc sĩ Khoa học Thư viện, Phó giám đốc Trung tâm Thư viện và Tri thức số, ĐHQGHN. TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN chủ trì tọa đàm.

Với báo cáo tham luận đầu tiên về “Khai thác tài nguyên giáo dục (TNGDM) mở phục vụ đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học”, KS. Lê Trung Nghĩa đưa ra các phân tích, nhận định về bối cảnh quốc tế, thực trạng tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) và vấn đề khai thác TNGDM ở Việt Nam. Theo KS. Lê Trung Nghĩa, TNGDM là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay. TNGDM giúp thực hiện một số mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) được Liên Hợp Quốc thông qua, trong đó có SDG4 về giáo dục chất lượng!

 

Định nghĩa Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM) là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại.

Định nghĩa Kiến thức Khoa học Mở là tương tự với định nghĩa TNGDM!

(Tư liệu từ báo cáo tham luận của KS. Lê Trung Nghĩa)

Vấn đề khai thác Tài nguyên Giáo dục Mở/ Kiến thức Khoa học Mở

Để khai thác tốt Tài nguyên Giáo dục Mở/ Kiến thức Khoa học Mở, theo KS. Lê Trung Nghĩa, giảng viên cần đáp ứng các yêu cầu về năng lực số theo các Khung năng lực số của UNESCO, EC…

KS. Lê Trung Nghĩa chia sẻ một số vấn đề liên quan tới việc khai thác TNGDM/KTKHM, cụ thể là các mức khai thác TNGDM/KTKHM có sẵn như: Tìm kiếm để tải về và sử dụng TNGDM/KTKHM có sẵn; Tạo lập, sửa đổi, pha trộn, phân phối lại TNGDM/KTKHM; Bản địa hóa TNGDM/KTKHM có sẵn trên Internet. Đặc biệt, KS. Lê Trung Nghĩa cũng đưa ra các gợi ý hữu ích cho cán bộ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, học viên sau đại học…: Để khai thác tốt, cần có các năng lực TNGDM/KTKHM; do đó cần tham gia các khóa thực hành khai thác TNGDM/KTKHM; Cần có chính sách TNGDM/Khoa học Mở cấp quốc gia & cơ sở, đặc biệt chính sách Cấp phép Mở…

Tại tọa đàm, ThS. Lê Bá Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Thư viện và Tri thức số, ĐHQGHN chia sẻ với giảng viên, học viên… về nội dung “Hướng dẫn khai thác tài nguyên, sản phẩm và dịch vụ thông tin tại Trung tâm Thư viện và Tri thức số (VNU-LIC)”. VNU-LIC có thực hiện nhiệm vụ lưu giữ, quản lý thông tin, tư liệu và thư viện phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), triển khai ứng dụng và quản lý của ĐHQGHN; nghiên cứu, thu thập, xử lý, thông báo, phổ biến và cung cấp tin, tài liệu khoa học, dịch vụ thông tin phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của ĐHQGHN. Hiện tại, kho tài liệu số nội sinh (là kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN) của VNU-LIC có tới 100.000 đơn vị tài liệu số, trong đó có 35.000 luận án, luận văn; 5.000 khóa luận sinh viên; 2.000 kết quả nghiên cứu; 10.000 bài tạp chí từ các chuyên san VNU;  bài tạp chí quý hiếm; bộ sưu tập chuyên đề,… Ngoài ra, gần 100.000 giáo trình & sách tham khảo thuộc nhà xuất bản ĐHQGHN và NXB uy tín trong nước và nước ngoài được VNU-LIC cung cấp cho người dùng.

ThS. Lê Bá Lâm chia sẻ số liệu thống kê tài nguyên thông tin của VNU-LIC

ThS. Lê Bá Lâm cho biết, hiện tại VNU-LIC cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ hoạt động dạy học và nghiên cứu, nâng cao năng lực thông tin như: Tìm kiếm tài nguyên thông tin, sản phẩm và dịch vụ thông tin; Đánh giá, chọn lọc thông tin; Tổ chức và trình bày quản lý thông tin và tri thức; Các phần mềm trích dẫn (endnote, mendeley, zotero,…); Các kiểu trích dẫn apa, harvard, ieee,…; Đạo đức trong nghiên cứu khoa học; Quy trình nghiên cứu hoàn thành một khóa luận, luận văn, luận án,…

VNU-LIC cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ hoạt động dạy học và nghiên cứu đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục

————————–

TNGDM bản thân nó là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, thường được tích hợp trong các khung năng lực số, ví dụ như của Liên minh châu Âu hay trong ‘Khung năng lực CNTT-TT của UNESCO cho các giảng viên, phiên bản 3’ được UNESCO xuất bản năm 2018, gợi ý rằng TNGDM là một trong những năng lực và kỹ năng số cần thiết và không thể thiếu cho các thư viện, các cán bộ thư viện và các thủ thư, bên cạnh các năng lực và các kỹ năng khác. Các năng lực và kỹ năng về TNGDM, vì thế, chắc chắn góp phần thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với nhiệm vụ triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành thư viện nói riêng” (KS. Lê Trung Nghĩa).

 

CTE Media.

Bình luận

Leave a Reply

Leave a Reply