Tọa đàm “Tích hợp, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên qua các hoạt động dạy – học”
“Tích hợp, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên qua các hoạt động dạy – học” là chủ đề của tọa đàm số 2 nằm trong chuỗi tạo đàm về phương pháp giảng dạy do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN phối hợp với nhóm cộng tác viên là các giảng viên từ Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN tổ chức ngày 7/11/2019 nhằm kiến tạo môi trường đào tạo tích cực và nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, thực hiện kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN giai đoạn 2019-2025. |
Các giảng viên tham gia buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục nhấn mạnh, trong đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng viên cần xem xét chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (về kiến thức, kỹ năng, thái độ) để thiết kế, xây dựng các hoạt động học tập phù hợp nhằm phát triển năng lực, kỹ năng của người học, từ đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, giảm dần và tiến tới chấm dứt tình trạng đào tạo không đạt chuẩn, sinh viên tốt nghiệp đại học có thể làm việc theo đúng ngành nghề đào tạo hoặc dễ dàng chuyển đổi nghề nghiệp, có khả năng thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, với môi trường làm việc.
TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng, ĐHQGHN phát biểu tại tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng, Trưởng Bộ môn Chất lượng cao, khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại Ngữ, ĐHQGHN đã trình bày tham luận về triết lý giáo dục và các khung lý thuyết nền tảng cho việc tích hợp và phát triển các kỹ năng mềm thông qua các hoạt động dạy – học, các nguyên tắc và cách thức tích hợp kỹ năng mềm vào các hoạt động dạy – học, đồng thời chia sẻ về mô hình đào tạo chất lượng cao tại khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH ngoại ngữ, ĐHQGHN. Với khung chương trình được xây dựng trên nền tảng triết lý là thuyết Kiến tạo Xã hội (Social cognitivism- Vygotsky), trong quá trình thực hiện, đội ngũ giảng viên và thiết kế môn học đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện và thành công trong việc tích hợp và phát triển các năng lực và kỹ năng mềm cho sinh viên xuyên suốt các hoạt động dạy-học. Một hệ thống bài tập lớn (assignments) cho các môn thực hành tiếng đã được xây dựng, liên kết chặt chẽ và độ khó tăng dần, nhằm giúp sinh viên đạt các chuẩn đầu ra môn học, không chỉ về năng lực tiếng (C1 khung tham chiếu châu Âu) mà còn thêm kiến thức liên ngành, các giá trị và phẩm chất cần thiết cho nghề nghiệp tương lai, và bộ kỹ năng mềm cho việc học tập suốt đời. Cách tổ chức các hoạt động học tập theo chu kỳ khép kín, mỗi vòng sau lại giúp người học nâng năng lực thêm một bậc, thực sự là những trải nghiệm “trưởng thành qua ngàn lần gian khó” nhưng mang lại rất nhiều cảm xúc và năng lượng tích cực cho cả thầy và trò. Nếu các nhà giáo dục chúng ta luôn giữ được “open mindset”, trao quyền cho người học và khơi mở những dòng chảy tư duy sáng tạo, cho người học cơ hội được học với niềm vui, thì chắc chắn sản phẩm của họ mang đến cho chúng ta luôn là những ngạc nhiên đầy thú vị.
(Nội dung chi tiết xem tại: http://cte.vnu.edu.vn/tich-hop-phat-trien-ky-nang-mem-cho-sinh-vien-thong-qua-cac-hoat-dong-day-hoc/)
TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng chia sẻ về mô hình đào tạo chất lượng cao tại khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học ngoại ngữ, ĐHQGHN
Ths. Đỗ Hạnh Chi, giảng viên Bộ môn tiếng Anh Chất lượng cao, khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN chia sẻ về các cách tích hợp, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên qua hai dự án cụ thể là Đọc phản biện và Đọc mở rộng. Hai dự án này là hai bài tập lớn nằm trong môn Đọc của chương trình tiếng Anh chất lượng cao kéo dài trong 15 tuần cùng các hoạt động học tập và bài tập thường xuyên khác. Đối với hoạt động Đọc phản biện, sinh viên được yêu cầu đọc các bài đọc có độ khó và độ dài khác nhau, thể hiện các mức độ suy xét từ thấp đến cao dựa trên thang Bloom về nhận thức (Bloom Taxonomy). Các bài tập Đọc phản biện có các tên gọi khác nhau và yêu cầu về cách thức khác nhau như làm cá nhân, làm nhóm hay làm cả lớp. Sản phẩm cuối cùng cũng rất đa dạng như website các tài liệu đọc tiêu biểu, dự án chia sẻ theo góc/ nhóm, các nhóm chuyên gia, dự án Hội trợ STEM hay chương trình trò chơi, câu đố, v.v. để sinh viên học với mục đích hiểu biết và chia sẻ chứ không đơn thuần là hoàn thành bài tập. Các hoạt động học này tích hợp nhiều kĩ năng mềm như xử lý thông tin, quản lí thời gian, tự đánh giá bản thân, sử dụng công nghệ thông tin và quan trọng nhất là tư duy suy xét, phản biện. Để đánh giá các kĩ năng này, giảng viên cần đồng hành, theo sát và đánh giá dựa trên thang đánh giá với các tiêu chí cụ thể nhằm vào từng kĩ năng mềm cần được phát triển.
Scrapbook – Sản phẩm sáng tạo của sinh viên thông qua hoạt động đọc
Dự án Đọc mở rộng (Reading Challenge) ban đầu chỉ là một hoạt động tự nguyện lấy cảm hứng từ các phong trào Reading Challenge trên các websites nhưng đã được sự ủng hộ của sinh viên và giảng viên trong Bộ môn và được nhân rộng sang các bộ môn khác của Khoa Sư phạm tiếng Anh. Nhiều sinh viên chia sẻ rằng mặc dù dự án này rất tham vọng đối với các em nhưng nhờ sự khuyến khích, động viên và thấu hiểu của các giảng viên, các em đã được tiếp thêm năng lượng để đọc và khám phá nhiều kiến thức cũng như sở thích mới cho bản thân. Sản phẩm của các em là các poster điểm sách, các bài hát, bài thơ tóm tắt nội dung sách hay các video giới thiệu sách được chia sẻ trên Facebook. Nhiều sinh viên thể hiện được khả năng xử lý được một lượng lớn thông tin khó ngay từ những học kì đầu tiên, nhiều em lại thể hiện khả năng sử dụng công nghệ thông tin rất đáng khen ngợi. Dự án này cũng nhằm phát triển các kĩ năng mềm như kĩ năng tự đánh giá bản thân, thái độ tích cực đối với bản thân và người khác (các em tự chọn tài liệu cho mình và không so sánh với bạn bè), kĩ năng quản lý thời gian, tư duy suy xét, phản biện và khả năng sáng tạo không giới hạn. Các dự án đọc trên có thể áp dụng cho nhiều môn chuyên ngành.
Ths. Nguyễn Thị Kim Phượng, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN chia sẻ về các cách tích hợp, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên qua hoạt động Simulation (Mô phỏng tuyển dụng) và Tutoring project (Dự án dạy kèm)
Tọa đàm nhận được sự quan tâm và chia sẻ sôi nổi của các giảng viên đến từ Trường Ngoại ngữ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Công nghệ, Khoa Luật, Khoa Quốc tế, Khoa Các Khoa học liên ngành, Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao…
Trước đó, tọa đàm số 1 với chủ đề “Đổi mới giảng dạy sử dụng Game mô phỏng” ngày 24/10/2019 đã thu hút sự quan tâm của gần 60 giảng viên trong ĐHQGHN.
Ngày 25/1/2019, Giám đốc ĐHQGHN đã ký ban hành Hướng dẫn số 278/HD-ĐHQGHN về việc thực hiện đổi mới hoạt động giảng dạy ở ĐHQGHN giai đoạn 2019 – 2025, trong đó nhấn mạnh một số mục tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng giảng viên, sinh viên bao gồm: Trang bị kỹ năng, rèn luyện phẩm chất cho người học; Tăng cường vai trò chủ động, tự chịu trách nhiệm của giảng viên; Đổi mới chương trình, nội dung, hỗ trợ, khuyến khích, người học nâng cao năng lực tiếp thu kiến thức cũng như phát huy năng lực sáng tạo và khởi nghiệp; Chuyển hoạt động giảng dạy và học tập theo hướng đổi mới sáng tạo, tăng khả năng thích ứng của sinh viên với thị trường lao động.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện của giáo dục, đổi mới hoạt động giảng dạy sẽ lan tỏa mạnh mẽ đổi mới đến tất các khâu của ĐHQGHN, từ quản trị đại học, quy trình đào tạo, chương trình đào tạo cho tới đảm bảo chất lượng giáo dục.
Một số hình ảnh tại tọa đàm:
VNU media