Ứng dụng ai trong giảng dạy đại học – một bước tiến mới trong nền giáo dục thông minh
Sáng ngày 18/10/2024, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục. ĐHQGHN đã tổ chức chương trình tập huấn với chủ đề “Ứng dụng AI trong giáo dục đại học”. Buổi tập huấn nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm phát triển nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên, giáo viên tại ĐHQGHN, thực hiện nhiệm vụ đổi mới dạy học tại ĐHQGHN.
Gần 60 cán bộ, giảng viên, giáo viên đã tham dự buổi tập huấn sáng nay tại tòa nhà Hội nghị và Đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN với sự hướng dẫn của TS. Kim Mạnh Tuấn. TS. Kim Mạnh Tuấn hiện đang là giảng viên của khoa Quản lí giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN – Fulbrighter năm 2024 — 2025 (Visiting scholar) tại Trường John Hopkin University — School of Education. TS. Kim Mạnh Tuấn đã có 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, được cộng đồng giáo viên, giảng viên biết tới với nhiều vài trò và đóng góp tích cực trong đổi mới dạy học như: Đồng sáng lập AIE CREATIVE (Al Education for All); Trưởng ban Tư vấn chiến lược tại VCCE (Vietnam Center for Creative Education); Nghiên cứu ứng dụng Al trong lĩnh vực giáo dục (01 Chương sách quốc tế liên quan đến AI trong lĩnh vực giáo dục, công bố quốc tế trong danh mục ISI/Scopus); Điều phối Chương trình ETEP (Enhancing Teachers Education Program do WB tài trợ); Thành viên BGK giáo viên đổi mới sáng tạo E2 Microsoft; Tham gia Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Hult Prize 2015 tại SanFrancisco Hoa Kỳ; Quản trị 2 Facebook group với gần 40k thành viên liên quan tới giáo dục (Al for Vietnam Education và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông Việt Nam)
Giảng viên tham dự tập huấn
Tại buổi tập huấn, TS. Kim Mạnh Tuấn đã đề cập và trao đổi với các giảng viên, giáo viên về nhiều nội dung cụ thể như:
- Xu hướng ứng dụng AI trong giảng dạy: Từ thiết kế giảng dạy đến Thiết kế học tập
- Lộ trình phát triển năng lực AI trong cơ sở giáo dục đại học
- Các mô hình thiết kế giảng dạy (Ví dụ cụ thể về thiết kế ngược – Backward Design – và mối liên quan đến dạy học phát triển năng lực)
- Bản chất công cụ AI và Kỹ thuật câu lệnh Prompts; Phát triển câu lệnh Prompts để hỗ trợ dạy học
- Ứng dụng AI trong tìm kiếm thông tin, xây dựng kế hoạch giảng dạy, xây dựng học liệu, slides/presentations
- Ứng dụng AI trong tổ chức hoạt động dạy học
- Ứng dụng AI trong tổ chức hoạt động dạy học và giới thiệu về “Dạy học để hiểu sâu (Teaching for Deep Learning)”
- Ứng dụng AI trong kiểm tra, đánh giá, đảm bảo chất lượng giáo dục.
TS. Kim Mạnh Tuấn trình bày tại buổi tập huấn
Kim Mạnh Tuấn chia sẻ, trong bối cảnh hiện đại, đặc biệt với sự phát triển của AI và công nghệ, vai trò của giảng viên đã có sự thay đổi rõ rệt từ việc chỉ giảng dạy (Teaching/Instruction) và thiết kế dạy học (Instructional Design) sang vai trò tư vấn và kết nối (Consultant/Connector). Điều này bao gồm việc chú trọng hơn vào việc thiết kế trải nghiệm học tập (Learning Experience Design). Cụ thể, thay vì chỉ đơn thuần hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, giảng viên ngày nay phải đảm nhận vai trò như một nhà thiết kế trải nghiệm học tập, trong đó họ phải tạo ra môi trường học tập tương tác và hiểu sâu hơn (Teaching for deep learning). AI có thể hỗ trợ việc này bằng cách cung cấp các công cụ học tập thông minh, phân tích dữ liệu học tập của sinh viên để tối ưu hóa các phương pháp giảng dạy cá nhân hóa và tạo điều kiện cho việc học tập độc lập, sáng tạo hơn. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng AI hiệu quả trong hoạt động dạy học, giảng viên cần phát triển các kỹ năng như trí tuệ cảm xúc (EQ), sáng tạo cùng với AI, khả năng sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ, khả năng thích ứng linh hoạt với sự thay đổi, hiểu biết sâu về AI, và có tư duy khởi nghiệp để khai thác tối đa tiềm năng công nghệ trong giảng dạy. Điều quan trọng nhất vẫn là năng lực chuyên môn của giảng viên. Những yếu tố này giúp giảng viên tạo ra trải nghiệm học tập sáng tạo, cá nhân hóa và đáp ứng tốt nhu cầu của sinh viên trong bối cảnh giáo dục hiện đại.
Khi vai trò của giảng viên thay đổi, việc thiết kế trải nghiêm học tập cho người học cũng thay đổi. Theo TS. Kim Mạnh Tuấn, thiết kế trải nghiệm học tập là một lĩnh vực liên ngành quan trọng, tập trung vào việc tạo ra và cải tiến các trải nghiệm học tập sao cho vừa hiệu quả, hấp dẫn, vừa phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của người học. Đây là một quá trình không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, mà còn xây dựng các môi trường học tập tối ưu, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về lý thuyết học tập, công nghệ giáo dục, tâm lý học giáo dục, và khoa học thần kinh nhận thức. Các mô hình thiết kế học tập (Instructional/learning Design Models/Frameworks) phổ biến hiện nay như Backward Design (Thiết kế ngược) tập trung vào kết quả cuối cùng và xây dựng nội dung học tập dựa trên các mục tiêu đó. Mô hình ADDIE cung cấp một quy trình tuần tự để phát triển và đánh giá quá trình học tập qua các giai đoạn: Phân tích, Thiết kế, Phát triển, Thực hiện và Đánh giá. Trong khi đó, Flipped Learning/Classroom (Lớp học đảo ngược) là mô hình chú trọng vào việc chuyển giao kiến thức cơ bản ngoài lớp học và tập trung vào hoạt động tương tác và thực hành trong lớp học, giúp tối ưu hóa sự tham gia của học viên. Tất cả các mô hình này đều nhằm mục tiêu nâng cao trải nghiệm học tập thông qua việc kết hợp các nguyên lý lý thuyết và công nghệ tiên tiến.
Minh họa sử dụng SchoolAI để tạo kế hoạch bài học, bài kiểm tra và các hoạt động học tập tương tác
Một vấn đề được giảng viên, giáo viên đặc biệt quan tâm là kiểm tra đánh giá trong bối cảnh AI có nguy cơ bị lạm dụng. TS. Kim Mạnh Tuấn cho rằng, việc kiểm tra đánh giá cần phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự ra đời của AI sinh tạo (Generative AI). Các phương pháp kiểm tra truyền thống như, kiểm tra viết tay, hay các bài kiểm tra trắc nghiệm không còn đáp ứng được nhu cầu của thế hệ người học hiện đại. Những công cụ phát hiện các nội dung AI content thường không chính xác hoặc có thể bị qua mặt bởi các công cụ AI Humanizers. Việc quay trở lại các phương pháp kiểm tra cũ cũng không phải là giải pháp khả thi. Theo TS. Kim Mạnh Tuấn, việc sử dụng AI trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ. Một trong những thách thức lớn nhất là làm sao để đảm bảo người học không lạm dụng công nghệ để đạt điểm cao một cách không chính đáng. Điều này đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo và linh hoạt trong việc thiết kế các bài tập và phương pháp đánh giá. Chúng ta cần xây dựng những bài tập vừa thúc đẩy sự sáng tạo, tư duy phản biện của người học, vừa có thể hạn chế việc nếu sử dụng công cụ AI có thể giải quyết một cách dễ dàng. TS. Kim Mạnh Tuấn gợi mởi một số ý tưởng sáng tạo để tạo ra các bài tập có khả năng chống lại sự can thiệp của AI, giúp người học phát triển toàn diện và đạt được những kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Giảng viên trải nghiệm một số ứng dụng IA trong dạy học
Rất nhiều thông tin thú vị đã được TS. Kim Mạnh Tuấn cung cấp và hướng dẫn cho người tham dự. Cô Nguyễn Thị Hoài Phương, giảng viên Trường Đại học Luật cho biết: “Tôi cảm thấy học hỏi được nhiều điều bổ ích và thiết thực cho việc thiết kế dạy học các học phần mình đang phụ trách. Tôi đặc biệt ấn tượng với các công cụ AI do TS. Kim Mạnh Tuấn chia sẻ và hướng dẫn. Sau buổi tập huấn, tôi đã có thêm một số ý tưởng hay trong việc thiết kế hoạt động giảng dạy và kiểm tra đánh giá với ứng dụng AI”. Cô Nguyễn Anh Thư, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật cho rằng khóa tập huấn kết hợp lí thuyết và thực hành như thế này sẽ giúp giảng viên có thể dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm sử dụng các công nghệ mới trong thiết kế dạy học. Giảng viên mong muốn sẽ có thêm các buổi tập huấn, đào tạo chuyên sâu hơn về ứng dụng AI trong giáo dục.
PGS.TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục đã chia sẻ với giảng viên về cam kết của Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục trong vai trò “người đồng hành” đối với hoạt động đổi mới giảng dạy của giảng viên tại ĐHQGHN.
Dưới đây là một số hình ảnh tại sự kiện.