Ứng dụng kỹ thuật Sketchnote trong hoạt động dạy học
Ngày 25/08/2020, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN tổ chức buổi tọa đàm “Ứng dụng kỹ thuật Sketchnote trong hoạt động dạy học”.
Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động phát triển chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy nhằm hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên về đổi mới phương pháp dạy học. Tham gia điều hành buổi tọa đàm là ThS. Phạm Hoàng Long Biên – Trưởng bộ môn Tiếng Anh 1, Khoa Sư phạm Tiếng Anh, TS. Bùi Thị Hằng Nga – khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Trường ĐH Ngoại Ngữ – ĐHQGHN.
Buổi tọa đàm đã giới thiệu tới giảng viên các nguyên tắc và kỹ thuật cơ bản về Sketchnote và những ứng dụng của Sketchnote trong hoạt động dạy học. Sketchnote là một phương pháp ghi chép thú vị, sáng tạo, mang tính thực hành, trải nghiệm và đặc biệt giúp người học biểu lộ dấu ấn cá nhân rõ nét, trở thành công cụ hiệu quả hỗ trợ việc phát triển các ý tưởng và tư duy sáng tạo.
TS. Bùi Thị Hằng Nga chia sẻ về các nguyên tắc sử dụng kỹ thuật Sketchnote
Kỹ thuật Sketchnote có thể hỗ trợ học tập hiệu quả nhờ khả năng kích thích sự phát triển đồng thời của cả hai bán cầu não. Bộ não của chúng ta được chia làm hai bán cầu, mỗi bên có các chức năng khác nhau. Việc sử dụng bán cầu não nào nhiều hơn sẽ quyết định đến những kỹ năng và sở thích của mỗi người. Trong khi bán cầu não trái có chức năng ngôn ngữ, chịu trách nhiệm xử lý những thông tin, giải quyết các vấn đề bằng khả năng phân tích, logic thì bán cầu não phải chủ yếu chịu trách nhiệm về khả năng không gian: hình ảnh, âm thanh, cảm xúc, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 65% người học thông qua nhìn còn có tới 90% thông tin mà não tiếp nhận là hình ảnh và trí não xử lý hình ảnh nhanh gấp 60.000 lần so với xử lý chữ viết. Việc phát triển cân bằng hai bán cầu não là cân bằng khả năng tiếp nhận thông tin cả về hình ảnh lẫn ngôn ngữ, giúp con người khám phá những khả năng tiềm tàng của bản thân. Tiềm năng trí tuệ con người là kết quả hoạt động, sự liên kết của hai bán cầu não. Sketchnote – một phương pháp dạy và học thú vị ra đời sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.
Sự phát triển hai bán cầu não
Ngay cả trong thời đại công nghệ thông tin thì việc ghi chép thủ công bằng tay vẫn chứng tỏ được ưu điểm riêng, ghi chép bằng tay giúp người viết có ấn tượng mạnh hơn nhờ đó nhớ lâu hơn. Có thể kể đến các hình thức ghi chép bằng tay phổ biến hiện nay như Spidergram, Concept map, Cornell notes, Skeleton Prose, Mindmap… Không có một phương pháp ghi chú nào là hoàn hảo cho mọi trường hợp, mỗi hình thức ghi chép có những ưu, nhược điểm riêng. Ghi chú dạng sơ đồ tư duy (Spidergram, Concept map, Mindmap) cho phép chúng ta thấy một lượng lớn thông tin chỉ trong một trang giấy tuy nhiên hình thức này khó sử dụng để theo dõi cấu trúc bài giảng của thầy cô, phương pháp này phát huy hiệu quả hơn khi dùng để tổng hợp kiến thức đã học. Hình thức Skeleton dạng khung xương với các thông tin được sắp xếp theo đoạn, được đưa ra lần lượt. Tuy nhiên nhược điểm của hình thức này là không chỉ ra được mối quan hệ giữa các nội dung.
Hình thức ghi chép | Minh họa |
Spidergram | |
Concept map | |
Cornell notes | |
Skeleton Prose | |
Mindmap |
Hình thức ghi chép bằng Sketchnote được đánh giá là hiệu quả nhất nhờ những ưu điểm vượt trội. Hiểu một cách đơn giản Sketchnote là cách ghi nhớ bằng các hình ảnh vẽ lại ngay tại thời điểm diễn ra thông qua việc sử dụng hình ảnh, câu chữ và sơ đồ. Những ghi chép này tận dụng theo hướng tư duy hình ảnh giúp bạn hình dung mọi thứ một cách dễ dàng hơn. Nguyên tắc 4S trong kỹ thuật Sketchnote đó là: Simple (Tính đơn giản), Special (Tính đặc biệt), Single line (Đường kẻ đơn), Sense of self (Giác quan của bản thân). Những yếu tố cấu thành nên một bản Sketchnote bao gồm: người, đồ vật, khung hình, chữ viết, quy trình, nơi chốn, những cụm hội thoại và lên ý tưởng về bố cục của chủ đề.
Những yếu tố cấu thành nên Sketchnote.
Hình thức ghi chép bằng Sketchnote giúp phát huy khả năng quan sát, tưởng tượng, kích thích trí nhớ của não bộ, tạo hứng thú và giải tỏa căng thẳng khi ta tiếp nhận thông tin và thể hiện các thông tin đó qua các hình vẽ trên trang giấy, không cần cố gắng nhồi nhét thông tin mà chỉ cần nhắc tới hay một chút gợi nhớ cũng giúp bạn khơi gợi lại các kiến thức.
ThS. Phạm Hoàng Long Biên chia sẻ về ứng dụng của kỹ thuật Sketchnote trong hoạt động dạy học.
Nhờ các ưu điểm nổi bật trong việc hỗ trợ phát triển ý tưởng và tư duy sáng tạo, kỹ thuật Sketchnote có thể được áp dụng hiệu quả trong các hoạt động dạy học, ví dụ: tóm tắt nội dung học tập, tổng kết môn học, viết nhật ký học tập, lên ý tưởng, tóm tắt nội dung chính của một bài đọc/ truyện/ sách, làm CV bằng Sketchnote, giới thiệu bản thân bằng Sketchnote, minh họa và thể hiện nội dung thuyết trình…
Ví dụ về ứng dụng Sketchnote trong hoạt động dạy học (Ghi chép sáng tạo)
“Vậy để áp dụng được kỹ thuật Sketchnote, người làm có cần phải biết vẽ, phải có con mắt mỹ thuật hay không? Sketchnote không cần cái đó”. TS. Bùi Thị Hằng Nga cho rằng điều quan trọng đầu tiên là bạn có dám thử, dám làm những cái mới, có tinh thần học hỏi, luyện tập về Sketchnote hay không.
Một số sản phẩm thực hành Sketchnote đầu tiên của các giảng viên
Sketchnote về cuộc thi VNU Teaching Awards 2020 – ĐHQGHN
Sản phẩm Sketchnote với chủ đề trong cuộc sống – Truyền tải thông điệp “Hạnh phúc”.
Sản phẩm thực hành Sketchnote về chủ đề thể thao
Sketchnote về các bước làm bánh
Giảng viên chia sẻ kết quả thực hành Sketchnote