
Xây dựng và khai thác học liệu trên hệ thống đào tạo trực tuyến của ĐHQGHN (VNU LMS) đối với học phần “Quân sự chung”
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, ĐHQGHN thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là quản lý và giảng dạy môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh cho sinh viên của ĐHQGHN và các cơ sở giáo dục đào tạo khác. Học phần “Quân sự chung” do Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh tổ chức đào tạo là học phần có tính đặc thù, người học phải học tập, sinh hoạt, rèn luyện tập trung tại Trung tâm như mô hình doanh trại quân đội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về hoạt động dạy học trực tuyến và tình hình chung của toàn ngành giáo dục, Trung tâm từng bước chuyển đổi từ hình thức dạy học trực tiếp sang hình thức dạy học trực tuyến kết hợp dạy trực tiếp. Việc chuyển đổi trên đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội để Trung tâm thực hiện đổi mới hoạt động giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, thể hiện sự quyết tâm và tinh thần đổi mới sáng tạo của đội ngũ giảng viên tại đơn vị. Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy xin giới thiệu tới thầy cô thực hành giảng dạy xuất sắc của nhóm giảng viên giảng dạy học phần “Quân sự chung” tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
- Tên sản phẩm (SP 06): Xây dựng và khai thác học liệu trên hệ thống đào tạo trực tuyến của ĐHQGHN (VNU LMS) đối với học phần “Quân sự chung”
- Nhóm tác giả: Bùi Hoàng Khương, Đào Thế Hùng, Dương Văn Tạo, Phạm Anh Tuân, Lê Sỹ Nguyên Hoàng, Trần Mạnh Toàn, Nguyễn Sơn Long – Giảng viên Khoa Quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, ĐHQGHN
- Hạng mục dự thi: Hạng mục 5 – Tổ chức nguồn học liệu xuất sắc trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến (Best Practices in Building Online Learning Resources)
- Mô tả hoạt động thực hành giảng dạy
– Căn cứ thực hiện
+ Công văn Số 174 /ĐBCL-HTGD về Giải thưởng Đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN năm 2021 (VNU Teaching Awards 2021).
+ Thực tiễn hoạt động giảng dạy tại đơn vị và yêu cầu đáp ứng chuyển đổi số trong giáo dục.
– Bối cảnh thực hiện
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, người học trên cả nước phải nghỉ học kéo dài. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục về việc tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình… Đây được coi là giải pháp hợp lý trong thời điểm hiện tại nhằm giúp người học tiếp thu, củng cố kiến thức, đảm bảo chất lượng học tập khi quay trở lại nhà trường.
Trong thời gian qua, một số cơ sở giáo dục trong nước đã từng bước tiếp cận và đưa giảng dạy trực tuyến vào chương trình giảng dạy trong đó có ĐHQGHN. Ngày 06 tháng 5 năm 2020, ĐHQGHN ban hành Hướng dẫn số 1345/HD-ĐHQGHN về Đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN có khẳng định: Giảng dạy trực tuyến là việc tổ chức giảng dạy (bao gồm: truyền tải nội dung giảng dạy, cung cấp bài giảng, học liệu, thực hiện các tương tác dạy và học, tổ chức kiểm tra, đánh giá người học) thông qua các nền tảng công nghệ (phần mềm, ứng dụng, công cụ) hoạt động trên môi trường Internet. Để thích ứng trong điều kiện mới, nhất là khi dịch bệnh Covid tiếp tục kéo dài có ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống xã hội, ngày 10 tháng 9 năm 2020, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 2598/QĐ-ĐHQGHN về ban hành Quy định về tổ chức và quản lý đào tạo trực tuyến ở ĐHQGHN, trong văn bản đã xác định: Giảng dạy trực tuyến (giảng dạy online) là cách thức truyền tải, trao đổi kiến thức, kỹ năng giữa giảng viên và người học qua mạng internet ở cùng một thời điểm trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin để người học đạt được chuẩn đầu ra của học phần, chương trình đào tạo. Cùng với việc ban hành quy định, để không gây gián đoạn và tiếp tục giữ vững chất lượng đào tạo, các cơ quan ĐHQGHN đã tiếp cận nhiều công nghệ, các giải pháp như công cụ Google Meet, Microsoft Teams, Zoom, đặc biệt là xây dựng phần mềm e-Learning (LMS) để triển khai trong toàn ĐHQGHN.
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, ĐHQGHN (Trung tâm) thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là quản lý và giảng dạy môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh cho sinh viên của ĐHQGHN và các cơ sở giáo dục đào tạo khác theo quy định của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương và Quyết định của Bộ Quốc phòng. Là môn học tập trung có nội dung tính đặc thù, người học phải học tập, sinh hoạt, rèn luyện tập trung tại Trung tâm như mô hình doanh trại quân đội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về hoạt động dạy học trực tuyến và tình hình chung của toàn ngành giáo dục, Trung tâm từng bước chuyển đổi từ hình thức dạy học trực tiếp sang hình thức dạy học trực tuyến kết hợp dạy trực tiếp. Vì vậy Đảng ủy, Ban Giám đốc đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp cận và chỉ đạo tổ chức thực hiện giảng dạy bằng hình thức trực tuyến với một số nội dung của môn học cho phù hợp với chương trình đào tạo toàn khóa của sinh viên các trường. Để thực hiện giảng dạy trực tuyến có hiệu quả, Trung tâm đã phối hợp với Viện đảm bảo chất lượng giáo dục và Trung tâm hỗ trợ giảng dạy (CTE) triển khai tập huấn và ứng dụng hệ thống E-Learning (VNU LMS) và phần mềm MS Teams vào giảng dạy. Đồng thời, Trung tâm còn thành lập Ban tổ chức, Ban chỉ đạo, Tổ trực đào tạo, Tổ hỗ trợ kỹ thuật để Ban Giám đốc chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ dạy – học trực tuyến đảm bảo nghiêm túc, chất lượng.
Khoa Quân sự là khoa chủ đạo của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh được giao thực hiện nhiệm vụ giảng dạy học phần Quân sự chung (CME1003), học phần Kỹ thuật chiến đấu bộ binh và chiến thuật (CME1004). Đội ngũ cán bộ giảng viên được đào tạo cơ bản bao gồm các đồng chí là sĩ quan biệt phái của Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Bộ Quốc phòng) và đội ngũ giảng viên chuyên ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh tốt nghiệp tại các trường Đại học sư phạm về Trung tâm công tác.
Đối với học phần Quân sự chung (học phần tham gia dự thi): Các nội dung môn học trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản về quân sự chung nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật tại trung tâm và nhà trường, đồng thời giúp cho sinh viên có nền tảng cơ bản về kiến thức ngành phục vụ cho học tập các môn học kế tiếp đạt hiệu quả.
Về kiến thức: Giúp sinh viên nắm các quy định về các chế độ sinh hoạt, học tập, công tác trong ngày, trong tuần; các quy định về sắp xếp trật tự nội vụ vệ sinh trong doanh trại, biết vận dụng và thực hiện tốt trong thời gian học tập tại trung tâm và nhà trường; Hiểu biết chung về tổ chức, nhiệm vụ, sự phối hợp hiệp đồng trong tác chiến của các quân, binh chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Nắm những kiến thức cơ bản về bản đồ, cách đọc, chắp ghép bản đồ và sử dụng bản đồ trên thực địa; Nắm được âm mưu, thủ đoạn của địch khi thực hành tiến công bằng các loại vũ khí công nghệ cao trong chiến tranh tương lai, các biện pháp cơ bản trong phòng chống đánh trả đáp ứng yêu cầu trong huấn luyện quân sự và chiến đấu sau này.
Về kỹ năng: Rèn luyện cho sinh viên tư thế, tác phong chững chạc, nghiêm túc, ý thức kỷ luật và nền nếp bảo đảm tính chính quy trong đơn vị; Biết thực hành định hướng bản đồ, xác định điểm đứng, chỉ thị mục tiêu, đo cự li, diện tích trên bản đồ; Nắm được âm mưu, thủ đoạn của địch khi thực hành tiến công bằng các loại vũ khí công nghệ cao trong chiến tranh tương lai, các biện pháp cơ bản trong phòng chống đánh trả đáp ứng yêu cầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về thái độ: Giúp sinh viên nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật, tính tự giác, trách nhiệm trong sinh hoạt tập thể; nắm được âm mưu, thủ đoạn của địch và khả năng tác chiến của quân đội ta từ đó xây dựng lòng tin vào khả năng chiến thắng trước các cuộc chiến tranh xâm lược, xây dựng cho người học ý thức trách nhiệm cao với môn học.
– Nội dung thực hiện
Nhận được kế hoạch về tổ chức cuộc thi, Khoa Quân sự nghiên cứu, xác định nội dung tham gia. Nhận thấy môn học Quân sự chung có những nội dung đặc thù quân sự nhưng gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các nội dung đó cần thiết để trang bị cho học sinh, sinh viên. Do vậy tập thể khoa xác định lấy Hạng mục 4 “Tổ chức nguồn học liệu xuất sắc trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến” để tham gia dự thi.
Nghiên cứu các nội dung của học phần, hướng dẫn của ĐHQGHN, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục và Trung tâm hỗ trợ giảng dạy, xác định quyết tâm, xây dựng đề cương, chương trình tham gia cuộc thi, lập kế hoạch thời gian thực hiện, thông qua Hội đồng chuyên môn của Khoa.
Tổ chức phân công các thành viên trong nhóm theo từng nội dung bài học sưu tầm, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống học liệu bảo đảm đầy đủ, cập nhật, khoa học, hệ thống. Đặc biệt vận dụng các kiến thức trong quá trình tham gia lớp tập huấn về đổi mới giảng dạy, phương pháp giảng dạy trực tuyến, lớp tập huấn sử dụng phần mềm E-Learning để chuẩn bị các hệ thống học liệu một cách chu đáo.
Tiến hành chuẩn bị các học liệu gồm hệ thống các bài giảng dạng word, powerpoint, tài liệu tham khảo, đường link tham khảo, câu hỏi khảo sát google form, tiến hành thu âm, ghi hình các bài giảng theo dạng video, chuẩn bị câu hỏi thảo luận, bài tập chấm điểm ngang hàng, bài tập thảo luận nhóm, bài tập kiểm tra nhận thức người học, bài tập củng cố kiến thức cuối buổi học và các vấn đề định hướng mở rộng kiến thức sinh viên.
Thực hiện thông qua, thẩm định, lựa chọn nội dung đưa vào hệ thống học liệu của môn học. Tập trung chỉnh sửa các nội dung khó, nội dung mang tính đặc thù, nội dung mang tính bảo mật; chỉnh sửa các hình ảnh, minh chứng, chỉnh sửa kỹ thuật, nội dung,… Sau đó tiếp tục thẩm định lần cuối, kết luận phương án đưa vào hệ thống học liệu.
Tổ chức giảng dạy theo từng khóa, rút kinh nghiệm các nội dung theo từng bài học, từng buổi học, từng khóa học. Tiến hành thảo luận với người học những nội dung trọng tâm. Tổ chức buổi học trực tuyến để trao đổi, thống nhất những nội dung mang tính nguyên tắc, nội dung chủ yếu của bài thông qua phần mềm LMS Teams, Google meet, Zoom (tùy đối tượng sinh viên để sử dụng cho phù hợp). chỉnh sửa các nội dung học liệu để phù hợp hơn với nhu cầu chung và từng đối tượng người học. Đồng thời chỉnh sửa, đưa các nội dung vào hệ thống quản lý lớp học LMS theo tiến trình xác định và gửi tham gia dự thi.
– Kết quả thực hiện:
Trong thời gian từ tháng 6/2021 đến nay, với sự hỗ trợ cao của Viện đảm bảo chất lượng giáo dục và Trung tâm hỗ trợ giảng dạy thông qua tập huấn và trao đổi. Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh nói chung, Khoa Quân sự nói riêng đã tổ chức giảng dạy cho 12 khóa sinh viên trong và ngoài ĐHQGHN, 03 khóa học sinh Trung học phổ thông với tổng số hơn 12.000 người học. Đến hiện nay 99,5% người học đã hoàn thành chương trình khóa học, nhiều học sinh, sinh viên hoàn thành với điểm số rất cao.
Hệ thống học liệu đã hoàn thiện một cách cơ bản, có nhiều nội dung đảm bảo chất lượng cao với các hình thức tiếp cận khác nhau, giúp người học tiếp cận nội dung một cách dễ dàng.
Các ưu điểm và tác động tích cực của thực hành xuất sắc tham gia dự thi.
Quá trình tổ chức dạy – học trực tuyến phần lớn sinh viên đăng ký đều tham gia học tập với quân số cao đạt 99,7%, thông qua kết quả từng khóa học, Trung tâm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của sinh viên về nội dung, phương pháp, sự tương tác, tính chính quy, chuyên nghiệp trong công tác quản lý, điều khiển lớp học của các giảng viên.
Việc thực hiện dạy học trực tuyến có thể đánh giá ở mức độ tốt, được thể hiện từ phương pháp truyền thụ của giảng viên đã phát huy tính tự chủ, tích cực và tự giác của người học. Sự tương tác trong dạy-học rất phong phú và sôi nổi, điều đó chứng tỏ công tác chuẩn bị của giảng viên đã đảm bảo tốt như: xây dựng học liệu, bài giảng bảo đảm phong phú về nội dung, gắn kiến thức với thực tiễn xã hội; trình độ sử dụng công nghệ trong giảng dạy, các công cụ tương tác và công cụ dự bị khi có các tình huống phát sinh trong giảng dạy. Đặc biệt, ngoài trang bị kiến thức, kỹ năng trong quá trình giảng dạy hệ thống video, hình ảnh phần học liệu đã được đưa lên hệ thống cho người học nghiên cứu trước khi buổi học diễn ra có ý nghĩa rất lớn tác động đến ý thức, trách nhiệm, và tính kỷ luật. Trong quá trình giảng dạy, ngoài Thầy giảng dạy còn có người cán bộ quản lý, để quản lý lớp học hiệu quả, các quy định được phổ biến và quán triệt một cách thường xuyên và nghiêm túc. Bên cạnh đó, ngoài việc chuẩn bị tốt bài giảng, phương pháp truyền thụ … hệ thống học liệu được bổ sung thường xuyên, liên tục và ngày càng phong phú giúp người học nghiên cứu một cách toàn diện và dễ dàng hiểu được bản chất của vấn đề học tập.
TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHGQHN trao cúp và danh hiệu “Nhà giáo dục đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2021” cho giảng viên tại sự kiện Ngày hội Đổi mới giảng dạy ĐHQGHN ngày 19/01/2022
Để hiểu rõ hơn về cách thức nhóm giảng viên tổ chức giảng dạy học phần Quân sự chung, mời quý thầy cô theo dõi Báo cáo tham luận trình bày tại sự kiện Ngày hội Đổi mới giảng dạy ĐHQGHN 2021 (VNU Teaching Festival 2021):
Tiêu chí đánh giá Hạng mục 5 – Tổ chức nguồn học liệu xuất sắc trên LMS | |
L – Latest Updated (Cập nhật) | – Có tính mới, tính cập nhật trong lĩnh vực vực chuyên môn
– Đáp ứng được yêu cầu về học liệu được nêu trong đề cương học phần. – Đa dạng, phong phú |
M – Multi-format (Đa dạng về loại hình) | – Nguồn học liệu dành cho người học đảm bảo sự phong phú, đa dạng phù hợp về nội dung và đa dạng về loại hình (file text, video,…) trên hệ thống LMS để người học dễ dàng tiếp cận và sử dụng. |
S – Stimulated (Thúc đẩy sự hứng khởi học tập) | – Học liệu dễ tiếp cận và phù hợp với trình độ/ đặc điểm của người học.
– Học liệu góp phần thúc đẩy hứng thú và động lực khám phá tri thức cho người học, có khả năng giúp người học tự học. |
INFEQA-CTE Media